Bảo tồn phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng cân bằng, bền vững
15/03/2024 | 08:00Kể từ thời điểm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả từ các bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong công tác quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu.
Nhờ đó, các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị khác của di sản được tôn trọng và gìn giữ; nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của Di sản được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, danh hiệu cao quý này đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tính đến hết năm 2023, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, trong đó khu vực dịch vụ chiếm 47,1%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 42,7%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 10,2%.
Đánh giá về những kết quả bảo tồn di sản để phát triển du lịch, GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Đây là những thành quả đáng mừng từ nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững. Du lịch Ninh Bình từ những điểm nhỏ, lẻ đã có bước phát triển mạnh mẽ và dần trở thành điểm du lịch trọng điểm của quốc gia và mang tầm quốc tế. Thu nhập của người dân từ các hoạt động liên quan đến du lịch cũng được nâng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Cũng theo GS.TS Trương Quốc Bình, các giá trị văn hóa, tự nhiên nổi bật toàn cầu và các thuộc tính, cũng như mọi giá trị khác có mặt trong phạm vi Quần thể danh thắng Tràng An đều được bảo vệ toàn diện bằng khung pháp lý cấp tỉnh và cấp quốc gia. Từ sau khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, Ninh Bình đã ban hành hệ thống các văn bản pháp lý về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản: các nghị quyết, quy định, chỉ đạo về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên các phương diện: quản trị và quản lý di sản; việc bảo vệ di sản văn hóa và các tài nguyên khảo cổ học; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường, du lịch sinh thái và các hoạt động thương mại khác và phát triển kinh tế xã hội bền vững; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói chung và phát triển du lịch nói riêng.
Theo các chuyên gia, đối với Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh ta đã và đang đi rất đúng hướng. Các mục tiêu phát triển bền vững luôn đặt con người là trung tâm, là mục tiêu cho sự phát triển; quản lý di sản nhằm trao truyền cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Vì vậy, để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững, cần tiếp tục tập trung bảo tồn các giá trị của di sản, đảm bảo các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích khảo cổ và môi trường tự nhiên tại Quần thề danh thắng Tràng An.
Cần thiết phải đề xuất các biện pháp bảo tồn hiệu quả để giữ gìn và bảo vệ các di tích khảo cổ trước những nguy cơ như tác động của du khách và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là xác định cách thức phát triển du lịch Di sản một cách bền vững, không chỉ đảm bảo lợi ích ngắn hạn mà còn tạo ra giá trị lâu dài và hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, bao gồm công tác quy hoạch du lịch, kế hoạch quản lý, tăng cường hợp tác với cộng đồng địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Mặt khác, cần phát triển các chương trình giáo dục, tăng cường nhận thức và sự hiểu biết về giá trị lịch sử, văn hóa của Quần thể danh thắng Tràng An; trong đó cần thiết phải đầu tư vào việc xây dựng các trung tâm thông tin du lịch, trung tâm diễn giải các giá trị của di sản, bảng giải thích, hướng dẫn viên chuyên nghiệp để hỗ trợ du khách hiểu rõ hơn về các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Yếu tố hợp tác, trong đó hợp tác đa phương cần được quan tâm đúng mức, xây dựng một môi trường hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan bao gồm chính quyền các địa phương, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong khu di sản và cộng đồng địa phương.
Việc hợp tác tập trung vào đề xuất và thực hiện các chiến lược, chương trình hành động chung để bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa và Thiên nhiên tại Tràng An; tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch mới và độc đáo, kỹ thuật tiếp cận xu hướng thị trường, tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo để thu hút du khách.
Bên cạnh khai thác là làm giàu thêm các giá trị của di sản, bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới.
Tỉnh cũng cần tiếp tục phát huy hiệu quả việc huy động các nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, như đường giao thông, các trung tâm diễn giải các giá trị của di sản, điểm dừng chân, nhà vệ sinh, các cơ sở dịch vụ du lịch khác để cải thiện trải nghiệm du lịch và thu hút du khách. Đồng thời, chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và huy động, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong quá trình bảo tồn di sản và phát triển cơ sở hạ tầng.
Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là báu vật mà thiên nhiên ban tặng, là sự kết tinh văn minh, văn hóa từ đời này sang đời khác. Quần thể danh thắng Tràng An sẽ là hạt nhân trong chủ trương xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản của UNESCO mà tỉnh đang nỗ lực bồi đắp nét vàng son của dòng chảy lịch sử, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, để vươn lên một tầm cao mới, ở một vị thế cao hơn, tương xứng hơn.
Mục tiêu xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ chỉ được hiện thực hóa khi có sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, làm cho mỗi người dân tỉnh Ninh Bình luôn tự hào về giá trị di sản được các thế hệ tiền nhân trao truyền, tự tin vững bước đi tới tương lai bằng nguồn lực, sức mạnh nội sinh, bản lĩnh văn hóa được xây dựng, bồi đắp, hun đúc suốt chiều dài lịch sử.
Vì vậy, sức sống của di sản phụ thuộc vào sự chung tay cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị. Cần nhân rộng hơn nữa và tiếp tục có thêm các chính sách, cơ chế đặc thù để tạo động lực, thu hút nhiều hơn các nguồn lực trong xã hội, để người dân, doanh nghiệp cùng nhau bảo tồn và phát huy các giá trị di sản theo hướng cân bằng, bền vững, mang lại nhiều lợi ích tích cực và tính lan tỏa rộng rãi.