Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù ở Thái Bình
28/09/2021 | 08:38Cùng với hát chèo, ca trù được coi là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, vừa độc đáo lại vừa có sức hút riêng trên mảnh đất quê lúa Thái Bình. Hiện nay, ca trù đang dần bị mai một, cần nhiều giải pháp thiết thực trong việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Nhằm khôi phục, bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này, nhiều năm qua, Thái Bình đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi, bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát ca trù, sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu quảng bá nghệ thuật hát ca trù, phổ biến các ấn phẩm về ca trù, phối hợp với các địa phương chú trọng đào tạo, truyền dạy hát ca trù, tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng.
Thực hiện dự án Chương trình mục tiêu quốc gia của Viện Văn hoá dân gian Việt Nam, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Bình đã tổ chức mở lớp học đàn và hát ca trù cho 50 diễn viên, nhạc công không chuyên ở các huyện, thành phố qua sự truyền dạy của các nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ, đào nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Thăng Long.
Trên cơ sở đó, đã thành lập 4 câu lạc bộ hát ca trù: Câu lạc bộ hát ca trù của Trung tâm văn hóa tỉnh gồm 10 ca nương, 1 kép đàn và 1 trống chầu thường xuyên biểu diễn, luyện tập, Câu lạc bộ hát ca trù xã Hồng Thái và Câu lạc bộ xã Bình Định, huyện Kiến Xương, gồm 15 ca nương và kép đàn, Câu lạc bộ hát ca trù huyện Tiền Hải với mục đích nhằm khôi phục, gìn giữ và phát huy những giá trị đích thực của nghệ thuật hát ca trù, khơi dậy niềm đam mê ca trù trong đời sống của nhân dân.
Hiện nay, các nghệ nhân ca trù của Thái Bình còn lại rất ít, hoặc đã già yếu, mai một đem theo ngón nghề của mình chưa kịp truyền cho lớp trẻ. Mặt khác, giới trẻ lại thờ ơ với nghệ thuật hát ca trù, tài liệu sơ sài, cơ sở vật chất và các nhạc cụ phục vụ cho các diễn viên biểu diễn nghệ thuật hát ca trù còn thiếu, nên việc khôi phục và bảo tồn loại hình nghệ thuật này gặp rất nhiều khó khăn.
Thêm nữa, so với các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống khác thì ca trù vẫn còn nhiều thiệt thòi, đơn cử như các nghệ nhân ca trù chưa được quan tâm về vật chất, tinh thần, họ chưa được trân trọng đúng mức so với tài năng của mình. Ca trù chưa có những hội thảo lớn, chuyên sâu, cũng như không có địa điểm riêng biệt để phát huy nghề nghiệp như các loại hình nghệ thuật chèo, múa rối nước, đó cũng là những yếu tố không thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển của nghệ thuật ca trù.
Chính vì vậy, để trở thành điểm sáng về bảo tồn ca trù, Thái Bình cần chú trọng phát hiện, truyền dạy, bồi dưỡng cho các ca nương, kép đàn trẻ tuổi bài bản, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật hát ca trù trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan, hội diễn. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu để đánh giá khách quan về thực trạng loại hình nghệ thuật hát ca trù, từ đó sẽ đề xuất và có chính sách cụ thể, trong đó đặc biệt là coi trọng vai trò truyền dạy và chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân đang nắm giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Ca trù là một trong những loại hình nghệ thuật của Việt Nam được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Bởi vậy, để giữ gìn và phát huy nghệ thuật ca trù ở Thái Bình cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ cho các nghệ nhân yên tâm trao truyền cho lớp trẻ giữ gìn được vốn quý của nghệ thuật hát ca trù. Qua đó, khơi niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức tự tôn, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong cộng đồng về bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát ca trù.