Bảo tồn âm nhạc truyền thống ở xứ Quảng: Miệt mài ươm mầm thế hệ trẻ
17/12/2020 | 14:45Bài chòi, dân ca, hò vè, tuồng,… những bộ môn nghệ thuật truyền thống ở Quảng Nam đang được những nghệ nhân đi trước cố gắng bảo tồn, gìn giữ, phát triển trong đời sống cộng đồng hiện đại bằng nhiều phương cách. Trong đó, thắp lửa, ươm mầm cho thế hệ trẻ là câu chuyện dài hơi mà các cơ quan chức năng cũng như những nghệ nhân luôn nỗ lực, bền bỉ thực hiện nhiều năm qua.
Lớp học dân ca, bài chòi miễn phí ở phố cổ
Ngày 7/12 vừa qua là kỷ niệm 3 năm nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (7/12/2017 – 7/12/2020). Tuy nhiên, không phải chờ đến thời điểm vinh danh mà từ hơn 10 năm trước, ở lớp học dân ca, bài chòi miễn phí được mở tại một góc nhỏ ở gần Chùa Cầu, các nghệ nhân ở Hội An đã âm thầm, miệt mài truyền dạy, bảo tồn các làn điệu dân ca, bài chòi truyền thống cho các em thiếu nhi ở Hội An.
Lớp học miễn phí được mở từ hơn 10 năm nay, do các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn nghệ thuật cổ truyền của Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình TP Hội An đảm nhận. Ban đầu học trò chỉ có vài ba em thiếu nhi thích hát dân ca, bài chòi, đa phần cũng là con, cháu của những anh chị, cô chú chuyên hát dân ca, bài chòi của phố Hội. Người dạy cũng là những người thường biểu diễn bài chòi, dân ca trong các đêm phố cổ của Hội An như chị Thu Hương, Ngọc Huệ, anh Văn Quý, nghệ nhân Lương Đáng,…
Nhiều bạn trẻ ban đầu vì được sống trong môi trường có người nhà yêu thích, hay hát bài chòi, dân ca nên đến lớp vì tò mò, muốn biết vì sao ông bà, cha mẹ mình lại mê dân ca, bài chòi như vậy. Đến lớp rồi, được nghe các cô chú, anh chị hát, được truyền dạy những câu hò, điệu lý dân ca, điệu hô bài chòi đơn giản, lâu dần mê say, yêu thích và trở thành những nghệ sĩ nhí, cùng biểu diễn với các cô, chú trong những đêm phố cổ.
Có bạn, như Vĩnh Phúc - con của diễn viên Dương Quý… đến lớp học này từ khi mới hơn 3 tuổi, đến giờ, Phúc đã học được hàng chục điệu bài chòi, hò Quảng, hò khoan,… Những bài tập được các thầy cô chọn hướng dẫn cho các em bên cạnh những bài truyền thống, cơ bản còn có các bài lời mới, phù hợp với đời sống hiện đại để các em dễ cảm nhận, tiếp thu, không nhàm chán.
Những lớp học giữ lửa, ươm mầm nghệ thuật dân gian ở Hội An cứ âm thầm nhen nhóm, đào tạo một đội ngũ trẻ kế cận, phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống ở Hội An. Những nghệ nhân như chị Ngọc Huệ, Thu Hương, anh Văn Quý,… ngoài giờ làm việc, đi biểu diễn trong các đêm phố cổ, lại nhiệt tình tham gia lớp dạy miễn phí này với một niềm say mê, tận tâm. Khi được hỏi động lực gì để mọi người có thể duy trì lớp học hàng đêm hơn 10 năm như thế, các nghệ sĩ đều đồng lòng với một mục đích - ấy là vun đắp, khơi gợi và phát huy tình yêu, sự hứng thú với làn điệu dân ca, bài chòi truyền thống cho thế hệ trẻ ở Hội An.
"Bài chòi, dân ca đã trở thành sản phẩm nghệ thuật đặc trưng trong chương trình đêm phố cổ - thương hiệu du lịch của Hội An. Giữ lửa, bảo tồn và phát huy nghệ thuật ấy cho lớp trẻ cũng là cách để những người đi trước thêm yêu nghề, gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống", chị Thu Hương, một trong những nghệ sĩ hát dân ca, bài chòi của Trung tâm tâm sự.
Nhiều bạn nhỏ ở các lớp học này đã tham gia và mang được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi dân ca, bài chòi do thành phố, tỉnh tổ chức cho học sinh như Vĩnh Phúc, Ngọc Trinh, Kiều Oanh,…
"Giữ lửa" dài hơi
Những lớp dạy dân ca, bài chòi, tuồng miễn phí ấy là một trong những hành động cụ thể để bắt đầu nhen nhóm, thắp lên ngọn lửa yêu các bộ môn nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ Hội An. Nhưng để giữ ngọn lửa ấy lâu dài, lan tỏa và khơi gợi trong cộng đồng là một câu chuyện dài hơi, cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành, chính quyền cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ.
Để tiếp lửa đam mê cho các em, bên cạnh việc hỗ trợ và cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân mở các lớp dạy nghệ thuật miễn phí như trên, nhiều năm qua, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động, tạo sân chơi lành mạnh cho các em như thi hát dân ca, bài chòi giữa các trường. Gần đây, có thêm lớp học miễn phí hợp xướng. Đồng thời, liên kết với các trường, tìm kiếm, phát hiện những em học sinh có năng khiếu âm nhạc, chất giọng tốt, yêu thích nghệ thuật truyền thống, tham gia lớp học dân ca, hợp xướng.
Những lớp học cơ bản này cũng là nơi để tìm kiếm, phát hiện và vun đắp lâu dài những tài năng, bồi dưỡng thêm cho những em có năng khiếu, đam mê, đào tạo đội ngũ hát dân ca, bài chòi, tuồng của Hội An sau này một cách hiệu quả, bền vững.
Ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm VHTT & Truyền thanh-Truyền hình TP Hội An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hội An chia sẻ: Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi tại Hội An, Trung tâm chú trọng tổ chức hoạt động "ươm mầm dân ca" một cách bài bản, quy củ với ước vọng sẽ phát hiện, vun đắp bền vững những thế hệ trẻ tiếp nối, phát triển nghệ thuật dân gian.
Đặc biệt chú trọng đào tạo lực lượng hát dân ca-bài chòi, ban đầu, đơn vị mở các lớp dân ca - bài chòi, các lớp nhạc cụ dân tộc cho cơ sở để đào tạo diễn viên, nhạc công cho phong trào. Từ sau năm 2000, qua thực tế Trung tâm nhận ra lực lượng ở cơ sở dễ tập hợp và có độ tuổi phù hợp nhất chính là hệ thống trường THCS.
Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với ngành Giáo dục đưa dân ca - bài chòi vào dạy ở trường học; mỗi năm học sẽ tổ chức dạy hát dân ca theo dạng cuốn chiếu cho 2 trường THCS vào thứ Hai hằng tuần.
Từ năm 2011 đến nay, tiếp tục mở lớp học hát dân ca - bài chòi hằng đêm tại hoạt động "Phố đêm" trong khu phố cổ cho 2 trường THCS nội thị là trường Nguyễn Duy Hiệu và trường Kim Đồng. Mỗi đêm, có 20-30 em học sinh của 1-2 lớp đến học học hát; mỗi em sẽ tham gia lớp học 1 đêm/tuần.
Đến nay, 2 hoạt động trên đã có hơn 1.000 lượt học sinh được học hát để tiếp cận và yêu thích bộ môn bài chòi; nhiều em trở thành các hạt nhân hát bài chòi ở cơ sở, trường học; nhiều em đã tham gia và đạt giải cao tại các hội thi hô-hát bài chòi; có bạn nay đã trở thành diễn viên hô hát dân ca - bài chòi chuyên nghiệp tại Trung tâm như Thu Ly, Thu Sang…