Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nỗ lực tạo dựng thương hiệu điểm đến văn hóa

28/01/2017 | 10:33

Được thụ hưởng hai tài khóa tài trợ của Dự án Sida, Thụy Điển cũng như sự đầu tư tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống trưng bày trong nhà, ngoài trời khá hiện đại, hấp dẫn công chúng, đồng thời có được những thay đổi trong giáo dục học đường bằng cách chủ động đến với các nhà trường bằng các sưu tập khác nhau.


Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Nguồn: wikipedia

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong 4 bảo tàng quốc gia, nhưng lại nằm xa thủ đô 80 km, nên tiếp cận cách thức và phương pháp giáo dục mang tính động, gắn văn hóa truyền thống với cuộc sống đương đại, khám phá văn hóa truyền thống trong không gian bảo tàng mới định hình từ năm 2010 đến nay. Đó là thời điểm không gian trưng bày ngoài trời với 6 vùng văn hóa (núi cao, thung lũng, đồng bằng trung du Bắc Bộ, ven biển miền trung, Trường Sơn - Tây Nguyên và Nam bộ) hoàn thành. Mỗi vùng văn hóa có một công trình kiến trúc làm điểm nhấn để tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ khách tham quan. Cập nhật phương pháp phục vụ công chúng tham quan từ một số bảo tàng trong nước, thế giới, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đặt ra cho mình mục tiêu đưa Bảo tàng trở thành “lớp học thứ hai”, “trường học ngoài trường học” của học sinh để giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam thẩm thấu, kết nối tới cuộc sống đương đại.

Với mục tiêu đó, Bảo tàng đã dựa trên hệ thống cấp học, công trình đã nghiên cứu chương trình giáo dục chuẩn, từ lớp 1 đến lớp 12, lựa chọn từng bài học để kết hợp với hiện vật bảo tàng, xây dựng chương trình giáo dục gắn với chủ đề và thời lượng tham quan phù hợp, tích hợp các nội dung văn hóa vật thể, phi vật thể, qua tham quan, khám phá, trải nghiệm, giáo dục đa dạng văn hóa, trên cơ sở hiện vật, câu chuyện hiện vật  với từng lứa tuổi. Những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cùng với những kiến thức về khoa học, tự nhiên, xã hội ở nhà trường sẽ giúp các em học sinh hình thành một thế giới quan khoa học biện chứng, nhìn nhận khách quan về sự việc đã diễn ra trong quá khứ, phát triển theo dòng thời gian, bao quát được lát cắt của không gian, tránh cái nhìn phiến diện, một chiều, áp đặt.




 
Ảnh: T.Thủy

Thực tế những năm qua, mỗi chuyên đề trưng bày đều có giáo dục trải nghiệm tại bảo tàng, gây hứng thú, kích thích sáng tạo, giúp học sinh muốn đến bảo tàng nhiều lần, ngày càng khẳng định quá trình giáo dục Bảo tàng bao gồm cả quá trình dạy, học và trải nghiệm là đúng hướng. Quan trọng hơn nữa, từ lý luận đến thực tiễn hoạt động giáo dục, đội ngũ cán bộ nghiên cứu của bảo tàng có thể tác nghiệp giáo dục bằng nhiều hình thức sinh động và lý thú, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình.

Sau 2 năm hoạt động thử nghiệm, từ năm 2012 đến nay, bảo tàng thường xuyên tổ chức mời nghệ nhân truyền dạy di sản văn hóa cho cán bộ bảo tàng và tình nguyện viên. Mọi đoàn khách đến tham quan đều được xem trình diễn, trải nghiệm một số hoạt động văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc ở không gian trưng bày ngoài trời: thổi sáo, thổi khèn, múa ô, xay ngô, đồ mèn mén, múa cấp sắc, múa cầu tự, múa Tắc sình, múa sạp, múa cầu mùa, hát then đàn tính, múa cồng chiêng, in tranh dân gian, xay thóc, giã gạo, nặn tò he, rối nước, chằm nón, đan lát, tạo hình sản phẩm gốm, múa đội nước, múa quạt, hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm; Múa giã gạo đêm trăng, biểu diễn nhạc ngũ âm, múa Lâm Tơi, múa Apsara…

Tiếp tục đổi mới, Bảo tàng thường xuyên thay đổi các chủ đề trưng bày khác nhau, gắn với từng đối tượng học sinh như: “Đèn lồng nhân ái”, “Âm dương ngũ hành”, “Chợ quê ngày tết”, “Chiếc cày và người nông dân”, “Khung dệt xưa và nay”, “Giấy xưa và nay”, “Trà và người”,  “Đồng hành cùng bước chân bộ đội cụ Hồ”, “70 năm hồi ức mùa thu lịch sử”, “Khám phá những vùng văn hóa”, “Ẩm thực xưa và nay”, “Tuần văn hóa Indonesia, Malaysia và Việt Nam…




Ảnh: T.Thủy

Từ trải nghiệm gắn với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (năm 2014), đến nay, bảo tàng đã xây dựng gần 60 chủ đề trưng bày, trải nghiệm khác nhau, gắn với từng đối tượng cụ thể, mỗi chủ đề dành cho một đối tượng chủ thể văn hóa, không chủ đề nào giống chủ đề nào, đã luôn tạo sự mới mẻ cho các đối tượng tham quan. Gần đây nhất, phải nói đến trải nghiệm gắn với quốc tế, tổ chức tháng 12 năm 2016 với chủ đề “Tuần văn hóa Indonesia, Malaysia và Việt Nam”… với 7 trưng bày (sắc màu văn hóa Việt Nam và sưu tập áo dài Lan Hương, sản phẩm và dụng cụ Batik Indonesia, văn hóa Malaysia, Slam khẩu và hành trình con nước, mặt nạ truyền thống ASEAN và triển lãm ảnh biển đảo quê hương); trình diễn, hướng dẫn dệt vải, vẽ, nhuộm Batik Indonesia, thêu Việt Nam, trình diễn làm đồ mỹ nghệ, thi nấu món ăn ẩm thực Hồi giáo và ẩm thực chay, quay phim, dựng phim, chiếu phim về văn hóa mỗi quốc gia, quảng bá hình ảnh bảo tàng và quá trình diễn ra hoạt động, giao lưu văn hóa văn nghệ, quảng bá sản phẩm trà Thái Nguyên, tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm khám phá văn hóa ASEAN, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Đặc biệt, sự trao truyền thế hệ của bản làng Thái Hải, các câu lạc bộ đàn, sáo, dân ca Thái Nguyên; tính trang trọng, song không kém phần sôi động của sinh viên Đại học Thái Nguyên, các em nhỏ của Bản làng Thái Hải, của câu lạc bộ Tiêu, sáo trúc Thái Nguyên… đã truyền lửa cho quý khán giả và đại biểu đến tham gia 3 hoạt động.

Các hoạt động truyền dạy và thực hành kỹ thuật nghề giữa các nghệ nhân, nhà thiết kế, học sinh, sinh viên 3 quốc gia đã tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật nghề truyền thống kết hợp với sáng tạo đương đại, nhằm tạo sản phẩm mới có giá trị cao hơn, khuyến khích công chúng tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị thủ công truyền thống dân tộc. Hoạt động trình diễn ẩm thực giữa bản làng Thái Hải. Các sư thày chùa Phủ Liễn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những hoạt động trải nghiệm văn hóa sôi động  gắn với ẩm thực Hồi giáo, Phật giáo, thủ công truyền thống, hoạt động chợ và lễ hội vùng miền, đã cuốn hút du khách, học sinh bởi tinh thần và triết lý, góp phần kết nối giữa truyền thống đến đương đại. Các sản phẩm thêu dệt nhuộm truyền thống của các nhà thiết kế, những người khuyết tật ở Kym Việt, Lan Hương, khoa công nghệ truyền thông, Đại học kỹ thuật Mara, Đại học Thái Nguyên phần nào cho chúng ta thấy sự sáng tạo không ngừng của dòng chảy văn hóa, con người Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Sự tham gia của tất cả các đối tượng công chúng tại bảo tàng đã góp phần bảo tồn và phát triển giá trị, bản lĩnh, bản sắc văn hóa truyền thống Indonesia, Malaysia và Việt Nam, mở rộng giao lưu, chia sẻ, đoàn kết, kích thích sự sáng tạo, kết nối, hợp tác và phát triển bền vững.



Ảnh: T.Thủy

Các chuyên đề hoạt động của bảo tàng, dù gắn với người nông dân, thợ thủ công, bộ đội, công an, sinh viên, nghề dệt ASEAN…đều có trưng bày đi kèm hoạt động trải nghiệm, có sự kết hợp của không gian địa lý, văn hóa và dòng chảy lịch sử, nhằm tái hiện đời sống nhân vật…qua các thời kỳ, từ trước năm 1945, cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước và thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay). Trưng bày cũng gắn với từng hiện vật cụ thể như chiếc cày, khung dệt, cối giã, nguyên liệu làm giấy, chiếc khung thêu, chiếc xe đạp, con thuyền, sản phẩm batik… Các hoạt động theo dòng chảy lịch sử đã giúp du khách có một cái nhìn tổng thể và chi tiết sự biến đổi của hiện vật trong không gian, thời gian, thu hút học sinh hứng thú đến trải nghiệm, thậm chí, có nhiều em đến bảo tàng nhiều lượt trong tuần.

Mặc dù vẫn còn hạn chế nhưng bảo tàng đã từng bước đổi mới trong hoạt động giáo dục, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng các chương trình giáo dục cụ thể, chi tiết hơn, dễ dàng vận hành trải nghiệm, sáng tạo tại không gian trưng bày của bảo tàng có hiệu quả thiết thực hơn. Những năm tiếp theo, trên cơ sở các kinh nghiệm có được, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tiếp tục đổi mới, sáng tạo nhiều chủ đề trải nghiệm sáng tạo có chiều sâu văn hóa, dần khẳng định thương hiệu điểm đến văn hóa, trường học ngoài nhà trường thân thiện, tích cực, hấp dẫn mọi đối tượng tham quan./.

TS.Nguyễn Thị Ngân
Bảo tàng VHCDT Việt Nam


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×