Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tàng thay đổi để thích ứng

31/12/2020 | 17:05

Trên thế giới hiện nay hàng ngàn bảo tàng phải đóng cửa do ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhiều bảo tàng đã chuyển hướng trưng bày hiện vật lên mạng nhưng không phải bảo tàng nào cũng thành công. Tại Việt Nam, công chúng bước đầu nhìn thấy sự chuyển mình của một số ít bảo tàng khi tìm mọi cách đưa tư liệu, hiện vật đến gần với người xem.

Bảo tàng thay đổi để thích ứng - Ảnh 1.

Gian trưng bày 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngồi nhà xem “báu vật” lịch sử

Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, dù việc được nhìn ngắm trực tiếp các hiện vật gốc đem lại nhiều giá trị về cảm xúc, tạo sự thích thú, hấp dẫn với người xem, song trong bối cảnh đặc biệt do Covid-19 tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, việc ứng dụng công nghệ nhanh và hiệu quả hơn… đã được nhiều bảo tàng lựa chọn. 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong việc xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D chứ không phải đến khi có dịch Covid-19 mới có hình thức trưng bày ảo. Cách đây 5 năm, khi xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D, tuy chỉ lựa chọn giới thiệu một phần giá trị, không thể thay thế bảo tàng thực nhưng bảo tàng 3D đã hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực.

Lần đầu tiên giới thiệu về bảo tàng ảo tương tác 3D là ứng dụng 2 khu trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam. Theo các chuyên gia, không gian trưng bày, hiện vật của bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D bảo đảm tính chân thực, độ chính xác cao, là công cụ hữu hiệu để du khách ngắm đa chiều các “báu vật” lịch sử. 

“Bảo tàng nhận được những phản hồi tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại. Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày thực, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ các chi tiết, hoa văn, hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật…”, TS Nguyễn Văn Đoàn nói.

Trên thực tế, nhiều du khách thấy rằng xem trưng bày ảo dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Như khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của bảo tàng, khách không thể cảm thụ được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này, nhưng khi xem trưng bày tương tác ảo 3D, du khách lại có thể quan sát được từng chi tiết hoa văn trang trí, thông tin chi tiết về hiện vật và tự tương tác các nội dung mong muốn.

Nắm bắt xu hướng này, một vài đơn vị bắt đầu áp dụng công nghệ trong việc trưng bày. Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long vừa qua cũng ra mắt người xem triển lãm trực tuyến ảo 3600 di tích cách mạng nhà và hầm D67. Các triển lãm 3D của Bảo tàng Hồ Chí Minh hay triển lãm trực tuyến Thống nhất non sông do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức, sử dụng công nghệ tham quan ảo. 

Còn nhiều khó khăn

Trưng bày thực tế và chuyến tham quan ảo luôn là lựa chọn song song của không ít bảo tàng trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách tham quan. Thu hẹp khoảng cách về địa lý, với bảo tàng “ảo”, chỉ cần có máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối Internet, người xem dù ở bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng có thể có chuyến tham quan hứng thú. Và điều đặc biệt, không giới hạn về số bảo tàng như khi đến tham quan trực tiếp, với bảo tàng “ảo”, người xem có thể tham quan nhiều bảo tàng khác nhau, ngắm nhìn hiện vật với chủ đề khác nhau. Việc các bảo tàng trên thế giới mở cửa “online” đã góp thêm một loại hình giải trí không kém phần hấp dẫn cho mọi người, bên cạnh các chương trình giải trí trực tuyến khác. 

Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đã trở thành xu thế tất yếu của các bảo tàng, nhưng thực tế các đơn vị bắt tay xây dựng bảo tàng “ảo” tại Việt Nam rất ít ỏi. Một phần do đã quá quen với các hình thức trưng bày truyền thống, việc thay đổi cũng cần thời gian chuẩn bị. Song một khó khăn dễ nhận thấy là rào cản về kỹ thuật, nhân lực và tâm lý.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Bảo tàng không gặp khó khăn về kinh phí thực hiện nhưng lại gặp khó ở nội dung trưng bày. Việc thống nhất được nội dung đưa lên trực tuyến vẫn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp từ đội ngũ chuyên môn cũng như giới nghiên cứu. Chính vì thế, bảo tàng cứ nhùng nhằng giữa việc nên hay không”.

Tương tự, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dù đã xây dựng trưng bày 3D từ sớm nhưng chỉ mới triển khai trên đĩa CD mà chưa trưng bày trực tuyến, vì vẫn cần thêm thời gian cân nhắc, thận trọng đánh giá phản ứng từ nhu cầu của khách tham quan… 

Đa phần các bảo tàng ở nước ta đều không muốn đi ngược lại xu thế chung, song để bảo tàng online thực sự hấp dẫn cần đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, công nghệ cũng như chi phí vận hành. Đó sẽ là con số không nhỏ trong khi việc thu phí từ khách hàng trực tuyến ở các bảo tàng trong nước lại chưa có tiền lệ.

Theo SGGP

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×