Bạo lực gia đình: Phụ nữ cần cho mình quyền được lên tiếng
25/08/2022 | 09:23Bạo lực gia đình không chỉ xảy ra ở vùng sâu vùng xa nào đó, nó vẫn thường xuyên xuất hiện ở ngay thành thị hay các gia đình có học. Và, thậm chí bạo lực diễn ra ngay chính trong ngôi nhà của những người có địa vị xã hội…
Vấn đề nhận thức
Chia sẻ với chúng tôi, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, nhận định, qua theo dõi cảm giác các vụ việc bạo lực gia đình ngày nay đang tăng lên.
Theo TS Hồng, điều đó có thể một phần do trước đây các cơ quan truyền thông báo chí không đưa tin vụ việc nên người dân ít biết đến. Ngoài ra, người phụ nữ vốn là đối tượng phải chịu đựng, nhẫn nhịn, giữ cho người thân nên không muốn nói ra. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan ban ngành cần phải nâng cao giáo dục để mỗi người dân hiểu rõ bạo lực không phải là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.
TS Khuất Thu Hồng cũng cảm nhận, các vụ bạo hành ngày nay càng gia tăng hơn, nặng hơn, nghiêm trọng hơn thậm chí dã man, gây rất nặng nề đến sức khỏe, tâm lý đối với người bị bạo hành.
"Xã hội cần phải nâng cao nhận thức của người dân, thường thì những ông chồng kiểu này họ nghĩ vợ con tôi thì tôi có quyền. Cứ nóng giận là họ xuống tay đánh đập vợ con. Tệ hại hơn, họ cho họ có quyền đánh vợ con. Nhưng, đó là vi phạm pháp luật, không còn phạm vi trong gia đình, mà đây là vấn đề xã hội".
Người bị bạo hành phải làm gì?
Rõ ràng, việc xây dựng gia đình là để chung sống và xây dựng hạnh phúc, chứ không phải chung sống là phải chịu đựng. Nhưng thực tế rất nhiều nạn nhân bị bạo hành dù nặng nề nhưng ngại không nói ra, không phản ánh với cơ quan chức năng.
TS Khuất Thu Hồng cho rằng, cả người bạo hành và người bị bạo hành đều coi đó là chuyện riêng trong nhà. Nạn nhân không muốn đi báo chính quyền, một phần vì ngại, xấu hổ, muốn giữ tiếng.
Trong khi đó, một số người người có trách nhiệm hoặc cơ quan tổ chức lại không muốn giải quyết chuyện riêng tư của người khác, cho việc đánh con cái, đánh vợ là "dạy dỗ" của gia đình người ta.
Để những vụ bạo hành được sớm phát hiện, TS Hồng cho rằng, phải ngăn chặn ngay từ lần đầu, người bị bạo hành hãy mạnh dạn kêu cứu.
"Có nhiều cách kết hợp, như gọi tổng đài 111 hoặc chạy ngay đến đồn Công an gần nhất để báo cáo sự việc. Nhưng tôi cho rằng, có lẽ quan trọng nhất là mỗi người xung quanh "cùng lên tiếng", vào cuộc thì đối tượng sẽ sợ.
Vì, công an sau khi tiếp nhận thông tin cũng phải cần thời gian mới chạy tới hiện trường. Những người hàng xóm, người xung quanh thấy hành vi bạo hành có thể yêu cầu người đó dừng tay. Có nhiều người phản ứng cùng một lúc thì đối tượng cũng phải sợ chứ. Khi mọi người cùng can thiệp, có thể giúp nạn nhân không bị tổn thương thêm, tránh tình trạng bị tử vong.
Theo TS Hồng, xã hội phải lên tiếng và vào cuộc mạnh mẽ hơn về vấn đề phòn chống bạo lực gia đình, trong đó có vai trò của truyền thông, báo chí. Khi truyền thông đưa tin tuyên truyền góp phần để thay đổi nhận thức, cho mọi người thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, đây là vấn đề xã hội chứ không phải của riêng từng gia đình.
"Khi là vấn đề xã hội nghiêm trọng thì cần phải giải quyết chứ không phải vấn đề của mỗi gia đình, cá nhân. Cho nên chúng ta phải cùng nhau thay đổi nhận thức đó. Khi báo chí phản ánh, dư luận xã hội bức xúc thì cũng là bài học để cảnh tỉnh đối với người khác", bà Hồng nhấn mạnh.
Luật phòng chống bạo lực gia đình hiện nay chưa đầy đủ
Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi tầng lớp từ trí thức cho đến người ít học, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những vụ bạo hành trong đó có cả mà đối tượng là người có địa vị trong xã hội.
"Tôi cho rằng, đó là sự hiểu biết, nhận thức của người gây ra bạo hành. Người chồng kém hiểu biết, nhận thức và học hành không đến nơi đến chốn. Cũng thể trong môi trường của họ, trước kia họ cũng từng chứng kiến bố đánh con, bạo hành mẹ… nhưng vẫn không nhận ra đó là vi phạm pháp luật", TS Hồng chia sẻ.
Theo TS Khuất Thu Hồng, Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện nay chưa đầy đủ, đang sửa đổi. Cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, giáo dục, thay đổi nhận thức của người dân.
"Không như kiểu "xề xòa" sau mỗi vụ gọi hai bên lên xử phạt, thì vợ lại bỏ tiền ra nộp tiền. Theo tôi luật phải chi tiết, chặt chẽ và phải mạnh để thực sự trở thành công cụ pháp lý giúp cho lực lượng thực thi pháp luật có thể dễ dàng áp dụng. Rồi rà soát lại hệ thống luật pháp về vấn đề phòng chống bạo hành đối với trẻ em, phụ nữ để bổ sung, điều chỉnh để luật thực sự là có hiệu quả và có hiệu lực. Và người dân thấy rằng luật nghiêm nên nếu vi phạm sẽ bị xử lý".
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư
Trước đó, sáng 16/8, trong khuôn khổ Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự phiên họp, về phía Bộ VHTTDL có Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, những vấn đề liên quan đến hành vi bạo lực rất khó, Bộ và các cơ quan liên quan đã cố gắng để nhận diện, cơ bản bao quát được tình hình, diễn biến các hành vi bạo lực gia đình để quy định trong dự thảo luật. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để các quy định trong dự thảo bảo đảm tính khả thi cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư có nội hàm gần giống với biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; tuy nhiên quy định biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hiện không quy định đối tượng áp dụng là người có hành vi bạo lực gia đình.
Về xác định người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, ông Hoàng Thanh Tùng đề xuất cân nhắc việc sử dụng cụm từ như một khái niệm pháp lý, dẫn đến sự phân biệt đối xử.
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc bổ sung biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng". Tuy nhiên đây là vấn đề mới nên cần đánh giá kỹ tác động trên các khía cạnh: Bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam; xem xét quy định loại trừ đối với một số trường hợp và bảo đảm tính khả thi của quy định trong tổ chức thực hiện.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất sau khi chỉnh lý, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư.