Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh
22/11/2023 | 11:46Sáng 22/11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì Hội thảo.
Nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của nhà làm phim
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, việc bảo hộ bản quyền đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các quốc gia. Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, trong đó có công nghiệp điện ảnh, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tại các quốc gia phát triển.
Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ cùng với các phương thức phân phối, các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung, các sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng. Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo Thứ trưởng, nhằm khuyến khích sáng tạo, tăng cường hoạt động thu hút đầu tư; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo; xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền; từng bước ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác, quyền liên quan, việc tổ chức Hội thảo "Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh" là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Thứ trưởng bày tỏ hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền tiếp tục lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi làm động lực phát triển các hoạt động bảo hộ bản quyền, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghiệp điện ảnh nói riêng và các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền nói chung; cùng đó, đây cũng là nơi để các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan trao đổi, thảo luận các nội dung thú vị về bản quyền, phát triển công nghiệp điện ảnh.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hội thảo "Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh" là một chương trình quan trọng để chúng ta cùng thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp để giải quyết việc bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà.
Thời gian tới, tỉnh Lâm đồng sẽ tiếp tục đồng hành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị của Bộ nghiên cứu để đề xuất, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo nền công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay, qua đó đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.
Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng tin tưởng, sau sự kiện Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII, Lâm Đồng sẽ là địa điểm thu hút nhiều hơn nữa các đoàn, nhà làm phim đến thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc… phục vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Lâm Đồng thông qua các tác phẩm điện ảnh.
Gửi thông điệp đến Hội thảo, bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc Lĩnh vực Bản quyền và Sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Thụy Sỹ cho biết: Để lĩnh vực nghe nhìn (audiovisual) trở thành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc. Thành công của một bộ phim không thể đoán trước được. Tuy nhiên, để làm một bộ phim, luôn cần sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn công và/hoặc tư nhân. Để những khoản đầu tư đó sinh lời, ngoài các phương tiên truyền thống: Rạp chiếu phim và chương trình phát sóng, các loại hình mới như nền tảng video theo yêu cầu và phát trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng. Những kênh truyền thông mới này tạo cơ hội mới dễ dàng hơn cho bộ phim được trình chiếu trong nước cũng như quốc tế.
Nhưng để điều này được bền vững và để Điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp thực sự, việc có khung pháp lý thuận lợi là điều tối quan trọng. Để làm được điều đó, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất phim.
Bà Sylvie Forbin cho rằng, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn thực thi các điều ước này để nó mang lại lợi ích thực sự cho đất nước. Theo hướng này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hữu ích, Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về Biểu diễn Nghe nhìn (audiovisual), một phần của các hiệp ước Internet của WIPO có thể mang lại cơ chế bảo vệ quyền của người biểu diễn trong các buổi biểu diễn nghe nhìn (audiovisual) của họ và vai trò quan trọng của các điều ước quốc tế đó trong việc thúc đẩy và bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sớm gia nhập Hiệp ước để các tác giả, người biểu diễn và các bên liên quan khác trong ngành điện ảnh Việt Nam có thể được bảo vệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường toàn cầu. Tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ tập trung vào cách quyền tác giả và quyền liên quan mang lại động lực cho người sáng tạo, cơ chế cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ và củng cố hệ thống thị trường để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh lớn mạnh, thịnh vượng"- bà Sylvie Forbin cho biết.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, hành lang pháp lý về quyền tác giả tác phẩm điện ảnh còn chưa đáp ứng được sự phát triển của công nghệ, chưa cụ thể, chưa thực sự bảo hộ hiệu quả quyền tác giả trong môi trường internet.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh chưa nhận thức và ý thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, chưa chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền cũng như các biện pháp khác mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng thụ hưởng các tác phẩm điện ảnh trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm túc tôn trọng và thực hiện nghĩa vụ đối với các quyền tác giả tác phẩm điện ảnh. Nhiều trường hợp cố tình né tránh không thực hiện nghĩa vụ.
Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thuộc nhiều hệ thống các cơ quan khác nhau, còn dàn trải, thiếu tập trung, hệ thống cơ quan tư pháp xét xử chưa có tòa án chuyên biệt về quyền tác giả, quyền liên quan.
Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi theo chức năng, nhiệm vụ được giao còn chưa thật sự chặt chẽ, quyết liệt trong đấu tranh, phòng chống và xử lý các hành vi xâm phạm, nhất là các hành vi xâm phạm quyền trên mạng internet và không gian mạng.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú thu hút sự chú ý tại hội thảo khi ông đề cập đến những vấn đề nổi cộm về bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh hiện nay. Đơn cử như việc sử dụng hình ảnh của các bộ phim tài liệu đã có trên không gian mạng đưa vào tác phẩm nhưng chỉ có một dòng ngắn ghi phim có sử dụng tài liệu đồng nghiệp mà không hề trực tiếp xin phép tác giả. "Đó là thực trạng vi phạm bản quyền rất nhức nhối. Đáng ra, trước khi đưa vào phim các nhà làm phim phải xin phép, chú thích rõ ràng những tư liệu được lấy từ đồng nghiệp nào, phim nào. Đó mới là sự tôn trọng cần thiết với vấn đề tác quyền trong điện ảnh", ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh.
Đạo diễn Lương Đình Dũng thì cho rằng, sự phê bình điện ảnh của một số cơ quan mang tính chất chủ quan, cá nhân, không khích lệ và tôn trọng sáng tạo. Bên cạnh đó, các bộ phim bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng cũng chưa được xử phạt nặng, nghiêm minh, các tổ chức, cá nhân, trang mạng vẫn tiếp tục đưa các tác phẩm chưa được phép lên mạng hay trang cá nhân. "Đây là một số vấn đề cần được chú trọng giải quyết hơn nữa để tạo ra môi trường phát triển điện ảnh lớn mạnh...", đạo diễn Lương Đình Dũng đề nghị./.