Bảo đảm cập nhật, kịp thời triển khai các hoạt động phát hiện, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình
04/12/2023 | 11:10Đó là một trong những tiêu chí hoạt động của Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) nhằm nhanh chóng can thiệp để giải tỏa hoặc làm chấm dứt hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế đối với thành viên gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư Ban hành quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai hỗ trợ các hoạt động của mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các hoạt động của mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về triển khai hỗ trợ các hoạt động của mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo Dự thảo này, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đảm bảo 2 nguyên tắc: Bảo đảm chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao khi hỗ trợ các hoạt động của mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; Các nội dung, định mức đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định về định mức kinh tế- kỹ thuật có cùng nội dung, tính chất, những nội dung đã được quy định tại các văn bản có tính pháp lý cao hơn hoặc văn bản chuyên ngành thì áp dụng theo văn bản đó.
Dự thảo thông tư cũng nêu rõ: Quy định này quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai hỗ trợ các hoạt động của mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở gồm: Địa chỉ tin cậy; Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:
Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là nơi cá nhân, tổ chức có uy tín, có khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư khi nạn nhân có yêu cầu được giúp đỡ, được tạm lánh. Tùy theo điều kiện và khả năng thực tế, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã biết. Đảm bảo 5 tiêu chí: Tính thống nhất; Tính cập nhật, kịp thời; Tính khoa học; Tính phù hợp và tính lan tỏa. Bảo đảm 100% hoạt động dịch vụ của địa chỉ tin cậy được xây dựng với mục đích, nội dung thống nhất, cập nhật, kịp thời và khoa học; bảo đảm ít nhất 90% người bị bạo lực gia đình có nhu cầu được hỗ trợ nơi tạm lánh, tư vấn, kết nối, chuyển gửi dịch vụ, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.
Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình là nhóm người có từ 3 đến 5 thành viên do trưởng thôn hoặc công an viên làm nhóm trưởng thực hiện các hoạt động liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Nhóm có nhiệm vụ: Phát hiện, tiếp nhận tin báo về vụ việc BLGĐ ở địa bàn, nhanh chóng can thiệp để giải tỏa hoặc làm chấm dứt hành vi BLGĐ gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế đối với thành viên gia đình. Chủ động hoặc phối hợp với tổ hòa giải tổ chức hòa giải mâu thuẫn, bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 12, Điều 15 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tư vấn trực tiếp cho nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình về pháp luật, tâm lý, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo quy định tại Điều 16 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Phối hợp với người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 17 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Lập hồ sơ, thống kê báo cáo về vụ việc, tình hình xử lý vụ việc bạo lực gia đình cho Ban chỉ đạo cấp xã. Nhóm hoạt động bảo đảm việc cập nhật, kịp thời triển khai các hoạt động phát hiện, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Kịp thời can thiệp 100% các vụ bạo lực gia đình tại địa phương tất cả các ngày bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết; tư vấn, hòa giải cho người bị bạo lực, người gây bạo theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững/Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc (CLB) là tập hợp các gia đình có nhu cầu tham gia sinh hoạt để giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. CLB có thể tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần hoặc căn cứ tình hình thực tế tổ chức 2 tháng /lần nhưng không dưới 6 lần/năm với các nội dung sinh hoạt như: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình; Giáo dục đạo đức, văn hoá, truyền thống dân tộc, gia đình, dòng họ; Cách thức ứng xử, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; Chăm sóc sức khoẻ người già, phụ nữ và trẻ em; Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội; Giáo dục kiến thức, kỹ năng cho thanh niên chuẩn bị kết hôn và mới kết hôn…
Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình là nhóm có từ 7-9 thành viên được thành lập để hỗ trợ và chỉ đạo hoạt động của Mô hình. Ban Chỉ đạo do lãnh đạo Ủy ban nhân dân là Trưởng ban. Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình có nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch hoạt động PCBLGĐ phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo; Chỉ đạo các hoạt động truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức các hội thi tuyên truyền viên, báo cáo viên giỏi về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức thu thập thông tin, báo cáo; Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động PCBLGĐ tại cơ sở; Xử lý các vấn đề phát sinh ở cơ sở, điều chỉnh các hoạt động phù hợp với sự thay đổi của tình hình.