Bàn về xây dựng hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu hôm nay
02/11/2021 | 09:38Trong bộ tài liệu với chủ đề "Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC xây dựng có chuyên đề "Bàn về xây dựng hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu hôm nay" của PGS.TS. Trần Trí Trắc với một số nội dung đáng chú ý. Để tiến tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung trong bài viết của PGS.TS.
Ba chủ thể tạo nên hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu
Theo PGS. TS Trần Trí Trắc, xây dựng hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay, trước hết phải đặt ra câu hỏi: ai là chủ thể - Nhà nước, nghệ sĩ hay khán giả nhân dân? Theo tôi, bao gồm cả ba đều là chủ thể. Vì, ở nghệ thuật sân khấu Việt Nam có ba thành tố nội sinh là Nhà quản lý Nghệ sĩ (tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa…) khán giả. Nếu thiếu hoặc yếu một trong ba thành tố đó thì không có nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay. Ba chủ thể này đều có chức năng, nhiệm vụ trong xây dựng hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu khác nhau, nhưng chúng luôn luôn có mối quan hệ thống nhất biện chứng và tác động qua lại với nhau đặc biệt.
Mặt khác, ba chủ thể trên tiến hành hoạt động xây dựng hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu trong bối cảnh hoàn toàn mới mẻ so với những năm 1930 – 1945 và 1945 – 1986 trước đây. Đó là, bối cảnh cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế đòi hỏi hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay phải mới hơn và phù hợp với qui luật của cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế hơn. Nếu tách khỏi môi trường này thì mọi hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam sẽ bất cập, vô nghĩa, vô hiệu quả. Nghĩa là, nghệ thuật sân khấu được coi là "hàng hóa đặc biệt" phải tuân theo qui luật của giá trị, cung – cầu, cạnh tranh, tương tác giữa kinh tế với văn hóa…. trong thị trường – PGS.TS này nhấn mạnh.
Hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay còn theo định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước trao cho nghệ sĩ là sáng tạo một nền sân khấu thời kỳ đổi mới "tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc" nhằm "xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học"1.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới – thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung và phát triển năm 2011) đã xác định: "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Tôn trọng bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam…"2.
Xuất phát từ quan điểm của Đảng, PGS. TS Trần Trí Trắc cho rằng có thể khái quát nội dung của hệ giá trị trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay là: Dân tộc, nhân văn, Dân chủ, Khoa học với những đức tính của con người – hình tượng: có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, có ý thức tự trọng, tự chủ, sống làm việc theo pháp luật, bảo vệ môi trường, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, có thế giới quan khoa học, hướng tới chân – thiện – mỹ…3. Và, hình thức mang hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay là nghệ sĩ được hoàn toàn tự do sáng tạo, như Nghị quyết TW 5 khóa VIII, 1998, Đảng đã "Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác" và NQ 23 NQ/TW cũng nêu "Tạo điều kiện thuận lợi về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp…" Như vậy, thật hiển nhiên, Đảng ta đã gợi mở cho chúng ta về hệ giá trị của văn học – nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng. Bây giờ, chúng ta – 3 chủ thể của nghệ thuật sân khấu cần có một lực lượng, một tổ chức, một kế hoạch một chính sách cụ thể cho sự nghiệp xây dựng hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay mà thôi.
Bàn thêm về việc mở đầu cho sự nghiệp xây dựng hệ giá trị này, PGS Trần Trí Trắc nhấn mạnh: Chúng ta cần phải giúp đỡ các văn nghệ sĩ thấu hiểu sâu sắc những giá trị của hệ giá trị sân khấu truyền thống và sân khấu cách mạng. Vì, hệ giá trị của sân khấu hôm nay không phải từ hư vô đến, mà từ truyền thống, từ kế thừa, phát triển những tinh hoa của truyền thống. Do đó, không phải ngẫu nhiên Bác đã căn dặn NSND Phạm Văn Khoa rằng: Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu"4. Và, chỉ có hiểu sâu sắc những giá trị của văn hóa truyền thống thì hệ giá trị của sân khấu hôm nay mới thực hiện được định hướng "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của mình.
Mặt khác, sân khấu gắn liền với khán giả, hệ giá trị của sân khấu được sinh thành trong lòng khán giả, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của cộng đồng xã hội và vận hành theo xã hội – khán giả - khách thể. Do đó, 3 chủ thể của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay phải cùng nhau xây dựng được hệ giá trị sống của con người Việt Nam trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế để nghệ thuật sân khấu phản ánh hiện thực đó tạo thành giá trị sân khấu cho mình.
Thị hiếu thẩm mỹ là "chìa khóa"
PGS. TS Trần Trí Trắc cho rằng, muốn xây dựng được hệ giá trị sống của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới thì trước hết, nghệ thuật sân khấu cần phải "giáo dục thị hiếu thẩm mĩ khán giả" bằng những giá trị thẩm mĩ tác phẩm nghệ thuật của mình.
Thị hiếu thẩm mĩ – là khái niệm chỉ sở thích của con người trong lĩnh vực thẩm mĩ. Nhiều người cho rằng, thị hiếu thẩm mĩ là bản năng bẩm sinh vốn có của con người và là sự thần bí của thế giới Người. Do đó, không nên bàn luận và khó có thể bàn luận. Vì, trước một hiện tượng thẩm mĩ, những chủ thể cảm thụ khác nhau sẽ dẫn đến các đánh giá yêu, chán, ghét, sâu, nông khác nhau. Cho nên, cùng sống trong một thời đại, nhưng thơ của Bà huyện Thanh Quan lại mực thước, tĩnh tại, ước lệ, hướng về quá khứ, nhiều điển cố trong trọng…; còn thơ của Hồ Xuân Hương lại phi chuẩn mực, hướng về thực tại với nhiều từ ngữ đời thường…; thơ tình của Xuân Diệu thì sôi nổi, nồng nàn, mãnh liệt; thơ của Nguyễn Bính lại là tiếng lòng nhắn gửi dịu dàng, e ấp mang đậm hương đồng gió nội của trai làng với thôn nữ…
Nhấn mạnh về vấn đề này, vị PGS. TS này đưa ra quan điểm: thị hiếu thẩm mĩ đã mang tính cá thể là có thật, không thể bình quân máy móc, không có sự thống trị của số đông đối với số ít và trong sáng tạo nghệ thuật không tạo được ra tiếng nói của mình thì nghệ sĩ không thể là nghệ sĩ.
Thị hiếu thẩm mĩ vừa mang sắc thái cá nhân lại vừa mang sắc thái xã hội. Vì, quan hệ thẩm mĩ là một loại quan hệ xã hội, nên thị hiếu thẩm mĩ, một hình thức thể hiện ý thức thẩm mỹ không thể gắn với môi trường xã hội mang đặc trưng dân tộc, giai cấp, thời đại của mình.
Mặt khác, thị hiếu thẩm mĩ của mỗi cá nhân còn liên quan tới dân tộc của chủ thể, tới hoàn cảnh sống, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, phong tục tập quán, tâm lý, truyền thống văn hóa dân tộc… nên thị hiếu thẩm mĩ bao giờ cũng có tính dân tộc qua tình cảm, ngôn từ, giao tiếp, trang phục…Như trong sáng tác của người Việt xưa thường có những hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, cánh cò, lũy tre, dòng sông, mái đình…; còn của người Nga thường thấy tuyết trắng, cỗ xe tam mã, cây bạch dương, thảo nguyên bao la, mùa thu vàng, những điệu nhảy rộn rã…
Bên cạnh đó, thị hiếu thẩm mĩ không thể không liên quan tới yếu tố thời đại. Mỗi thời đại có những điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội, quan niệm thẩm mĩ khác nhau đã dẫn tới thị hiếu thẩm mĩ khác nhau.
Như vậy, thị hiếu thẩm mĩ bao giờ cũng bộc lộ cá tính độc đáo nhưng lại có sự chi phối trực tiếp của các yếu tố xã hội (giai cấp, dân tộc, thời đại). Cái Tôi và cái chung xã hội của thị hiếu thẩm mĩ luôn quan hệ thống nhất biện chứng với nhau để tạo thành thị hiếu thẩm mĩ hoàn thiện: vừa mang "cái tôi" cá thể, lại mang cả cái chung xã hội, cộng đồng. Do đó, không nên tuyệt đối hóa yếu tố cá nhân hay cộng đồng, mà cần phải đề cao, tôn trọng cả hai trong thị hiếu thẩm mĩ và phải nâng lên trình độ nhân loại. Tính nhân loại là yếu tố cao nhất để đánh giá mọi giá trị của thị hiếu thẩm mĩ. Vì vậy, dù quốc gia, dân tộc, giai cấp, thời đại nào thì đều có sự ngưỡng mộ về vẻ đẹp của thần Vệ nữ, nụ cười bí ẩn của Monaliza, vẻ đẹp thiên nhiên qua bức tranh Mùa thu vàng của Levitan…
Tác phẩm nghệ thuật sân khấu bao giờ cũng chứa đựng trong mình thị hiếu thẩm mĩ của nghệ sĩ sáng tạo mang cá tính độc đáo. Nhưng, cá tính độc đáo trong thị hiếu thẩm mĩ của nghệ sĩ sáng tạo ấy phải chứa đựng được tính cộng đồng xã hội (giai cấp, dân tộc, thời đại, nhân loại). Tính cộng đồng xã hội càng cao thì tính cá thể càng độc đáo và giá trị. Khi nào mối quan hệ này được thống nhất thì nghệ thuật sân khấu mới được tồn tại, phồn thịnh, sống động. Hôm nay, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đang trong tình trạng "khủng hoảng khán giả" là do thị hiếu thẩm mĩ của nghệ sĩ đã không đồng cảm với thị hiếu thẩm mĩ của khán giả. Hoặc, giữa họ có khoảng cách khá xa về thị hiếu thẩm mĩ trong sáng tạo nghệ thuật – PGS. TS Trần Trí Trắc nêu quan điểm.
Khán giả là một trong những thành tố nội sinh cơ bản của nghệ thuật sân khấu. Hôm nay, cần xây dựng hệ giá trị cho nghệ thuật sân khấu thì trước hết, nên đầu tư chiến lược cho khán giả bằng giáo dục thị hiếu thẩm mĩ sân khấu cho khán giả và ngay từ bây giờ, mọi sáng tạo của nghệ thuật sân khấu hãy hướng về nhu cầu thẩm mĩ của khán giả.
Mặc dù khán giả Việt Nam đương thời đang có sự phân hóa lớn về thị hiếu thẩm mĩ theo vùng miền Bắc – Nam, ngược – xuôi, thành thị - nông thôn, giàu – nghèo, già – trẻ, học thức cao – thấp với nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Nhưng ở họ vẫn có chung một lý tưởng thẩm mĩ – định hướng xã hội là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, lý tưởng thẩm mĩ này chính là hệ giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiệu đại và cần được trở thành nội dung, hình thức trong sáng tạo của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay. Ở đây, cần nhận thức rằng: hệ giá trị thẩm mĩ về cuộc sống, hệ giá trị thẩm mĩ về nghệ thuật sẽ là tiền đề cho hệ giá trị sáng tạo của nghệ thuật sân khấu Việt Nam – PSG. TS Trần Trí Trắc nhận định.
1Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII. Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2016, tr.126
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI, Nxb CTQG, 2021, tr.76
3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị TW lần 9, khóa XI, Nxb CTQG.tr 233
4 Nhiều tác giả, Bác Hồ với nghệ sĩ, Nxb. Văn học, 1995, tr.83.