Phổ biến, giáo dục pháp luật

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước

26/08/2015 | 10:02

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20.7.2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo đó, căn cứ quy định tại các Điều 5, 6 và 7 của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của các cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức đối chiếu để xác định phạm vi bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật của cơ quan, đơn vị, báo cáo theo hệ thống dọc đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập hợp, xem xét lập danh mục bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP.

Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật được gửi đến Bộ Công an để thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Danh mục bí mật nhà nước độ Mật gửi Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Mọi tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải được lưu giữ, bảo quản chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích. Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước sau khi xử lý xong phải được phân loại, lưu giữ vào hồ sơ, cất vào tủ, hòm hoặc két sắt, không được tự động mang ra khỏi cơ quan.

Trường hợp cần thiết phải mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đi công tác, mang về nhà riêng thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, phải đăng ký với bộ phận bảo mật và có phương án bảo mật chặt chẽ.

Giải mật, giảm mật, tăng mật tài liệu mang bí mật nhà nước

Thông tư nêu rõ, nguyên tắc giải mật, giảm mật, tăng mật tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải đảm bảo bảo vệ lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc đề xuất giải mật, giảm mật, tăng mật căn cứ vào: danh mục bí mật nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền ban hành; thay đổi của tình hình thực tế; nội dung của từng tài liệu, vật mang bí mật nhà nước cụ thể, nếu thấy việc tiết lộ không gây nguy hại cho lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc toàn bộ hoặc một phần tài liệu, vật mang bí mật nhà nước được công bố trong tài liệu khác.

Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước sẽ tự động giải mật trong các trường hợp sau: Đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng; Đăng Công báo; Niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị hoặc tại các địa điểm khác; Các hình thức công bố công khai khác.
Sau khi tài liệu, vật mang bí mật nhà nước tự động được giải mật, văn thư có trách nhiệm đóng dấu giải mật theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, Bộ Công an tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức; thanh tra được tiến hành định kỳ 3 năm/lần, kiểm tra được tiến hành hàng năm; thanh tra, kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước xét thấy cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước đối với các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 7.9.2015.

CTTĐT (tổng hợp)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×