Ban hành Luật TDTT sửa đổi là cần thiết và phù hợp với thực tiễn
09/11/2017 | 10:38Chiều 8/11, các Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã tiến hành thảo luận tổ và cho ý kiến về Dự thảo Luật Thể dục thể thao sửa đổi, bổ sung.
Đại biểu Phùng Thị Thường (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc)
Theo Đại biểu Phùng Thị Thường (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc), Luật Thể dục thể thao sửa đổi, bổ sung khi được ban hành sẽ góp phần cụ thể hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực TDTT. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.
Đối với các nội dung đóng góp vào Dự thảo Luật, Đại biểu Thường đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung các quy định về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường theo hướng tạo nền tảng cho rèn luyện thể chất, đồng thời phát huy và chắt lọc, tìm kiếm được tài năng thể thao trong nhà trường để đóng góp cho thể thao nước nhà.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao, Đại biểu Thường cho rằng, hiện đất nước chúng ta đang nỗ lực để nâng nền thể thao nước nhà lên tầm khu vực, quốc tế ở một số môn thể thao thành tích cao. Vì vậy, cần soát xét để bổ sung các quy định quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thình tích cao sao cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đại biểu Thường nhấn mạnh, về cơ bản Dự thảo Luật TDTT sửa đổi, bổ sung đã kế thừa, phát huy được những tối ưu, hạn chế của Luật TDTT 2006. Tuy nhiên, từ thực tiễn thời gian qua, Chính phủ và Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu để tạo cơ chế, chính sách đối với các vận động viên sau khi hết tuổi thi đấu. Tránh tình trạng các em sau một thời gian phục vụ, mang vinh quang về cho đất nước rồi sau đó phải chật vật khi hết thời hoàng kim.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn ĐBQH tình Vĩnh Long)
Phát biểu tại tổ thảo luận 17, Đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn ĐBQH tình Vĩnh Long) cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ đối với chủ trương sửa đổi Luật Thể dục thể thao bởi, những quy định trong Luật cũ đã thực hiện được 10 năm, không còn cụ thể và phù hợp với thực tiễn hiện nay nhất là đối với lĩnh vực phát triển thể thao thành tích cao; quản lý kinh doanh thể dục thể thao; những điểm phát sinh mới liên quan đến thể thao quần chúng."
Một yếu tố nữa đó là do thời điểm ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020" là vào năm 2011, tức là muộn hơn cả Luật Thể dục Thể thao 2006. Như vậy, chỉ còn 3 năm nữa là đến mốc thời gian trong Nghị quyết, trong khi đó còn rất nhiều chủ trương chưa thể thể chế hóa được do Luật cũ đã không còn phù hợp.
"Qua xem xét Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật TDTT cho thấy, Ban soạn thảo Luật cũng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng và đầy đủ, vì vậy, Quốc hội nên cho ý kiến trong kỳ họp này." - Đại biểu Thắng cho hay./.
Thế Công