Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bài 2: Bóng đá phong trào - nền tảng để phát triển bóng đá Việt Nam

25/01/2018 | 10:02

Bóng đá phong trào luôn được coi là nền tảng của các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Đây cũng chính là một mục tiêu quan trọng, là cơ sở để thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Không có chuyện tự phát

Tại buổi đối thoại Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam diễn ra mới đây, nhiều đại biểu đặt ra vấn đề, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, người dân đam mê bóng đá nên rất thuận lợi để phát triển môn thể thao này. Vừa qua, bóng đá phong trào có nhiều bước phát triển tuy chưa đồng bộ nhưng đáng khích lệ. Nhiều địa phương có đông người tham gia chơi bóng thường xuyên, tổ chức tập luyện, huấn luyện, tổ chức các giải thi đấu… Nhưng dường như sự phát triển đó do “tự phát”, “tự thân vận động” của xã hội. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng. Ảnh: Minh Khánh

Phản biện lại nhận định này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) Vương Bích Thắng nhấn mạnh, trong quan điểm định hướng phát triển TDTT, Bộ VHTTDL đặc biệt quan tâm đến phong trào thể thao quần chúng trong đó có phát triển bóng đá. Theo đó, Bộ chỉ đạo phối hợp với các Sở VHTTDL địa phương, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các tổ chức Liên đoàn triển khai các hoạt động bóng đá phong trào, phát triển bóng đá bãi biển, Futsal...

Đồng thời, Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng phối hợp với Bộ GD&ĐT, các địa phương cùng các tổ chức trong nước và quốc tế khởi xướng các chương trình bóng đá, đưa bóng đá vào các hội thi, các liên hoan văn hóa thể thao cộng đồng... Trong thời gian tới, căn cứ vào các chỉ tiêu, mục tiêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Tổng cục TDTT và VFF sẽ tiến hành tổng kết các mô hình bóng đá phong trào để nhân rộng.

Để làm rõ hơn vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực VFF cho biết: “VFF xác định bóng đá phong trào là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển bóng đá nước nhà. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Liên đoàn đã cử các đoàn công tác làm việc với các địa phương tìm biện pháp hỗ trợ phát triển bóng đá phong trào trên địa bàn.”

Cụ thể như ở Lâm Đồng có 1 giải bóng đá nữ giành cho đồng bào dân tộc gồm 16 đội tham gia. VFF thấy rằng, mô hình này khá hiệu quả trong việc phát triển bóng đá phong trào, chính vì vậy trong thời gian tới sẽ hỗ trợ cho Liên đoàn bóng đá Lâm Đồng để nhân rộng mô hình này. Ngoài ra, còn các giải đấu như Bia Sài Gòn gồm 400 đội, Lotte dành cho học sinh sinh viên. Liên đoàn cũng tham gia xây dựng điều lệ, tư vấn về mô hình tổ chức...

Chú trọng phát triển bóng đá học đường

Ông Tuấn cho biết thêm, sau hiệu quả của mô hình bóng đá cộng đồng tại Huế, Liên đoàn cũng đã đi làm việc tại 10 địa phương, trong đó có các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái...để bàn phương án phối hợp nhân rộng. Đối với bóng đá học đường, VFF đã phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn viên, trọng tài cơ sở để từ đó tổ chức các giải bóng đá trong trường học tại các địa phương.

Ông Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Minh Khánh.

Về phần mình, ông Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ VHTTDL triển khai các hoạt động thể thao trong nhà trường trong đó có bóng đá. Đặc biệt, hai Bộ trưởng cũng đã ký các văn bản, chương trình phối hợp trong giai đoạn 2016 - 2020.

Cùng đó, nhằm mục đích cao nhất để phát triển bóng đá trong trường học, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với các bên liên quan để hình thành và duy trì hệ thống các CLB thể thao trong nhà trường. Sắp tới, Liên đoàn bóng đá Na uy sẽ không tiếp tục hỗ trợ mô hình bóng đá cộng đồng ở Huế. Tuy nhiên, trên những cơ sở đã xây dựng được từ mô hình này, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng.

Ngoài ra, đối với các khối THCS và THPT hiện đang học môn thể chất theo hình thức tự chọn thì môn bóng đá sẽ được ưu tiên và tùy vào điều kiện sẽ hình thành các giải thi đấu theo định kỳ.

Theo thống kê mới đây, hiện trên cả nước đã xây dựng được 4.000 câu lạc bộ bóng đá phong trào./.

Thế Công

(còn nữa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×