Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Ninh: Khai thác tiềm năng du lịch học đường

22/03/2024 | 08:59

Du lịch học đường là loại hình du lịch chủ yếu hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên, kết hợp hình thức tham quan với học tập trải nghiệm, khám phá tìm hiểu lịch sử văn hóa, vừa là một phương thức đổi mới giáo dục, vừa góp phần phát triển du lịch, tăng sức hút điểm đến. Bắc Ninh với lợi thế của miền đất cổ, lưu giữ kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, phong phú cũng được đánh giá có nhiều dư địa cho sự sáng tạo và phát triển du lịch học đường. Tuy nhiên loại hình du lịch này ở Bắc Ninh vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa được đầu tư khai thác theo hướng chuyên nghiệp.

Hiện nay nhiều trường học tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức tour du lịch cho học sinh. Một số trường ngoài công lập còn đưa du lịch học đường thành hoạt động ngoại khóa định kỳ trong chương trình đào tạo. Mô hình du lịch học đường thường được triển khai theo 2 hướng: Đưa học sinh đến tham quan di tích, danh lam thắng cảnh, kết hợp hoạt động vui chơi giải trí. Hình thức này chủ yếu để học sinh tự khám phá, tự học hỏi. Hướng thứ 2 là mô hình du lịch học tập trải nghiệm, trước mỗi chuyến đi, giáo viên cung cấp thông tin sơ bộ về điểm đến, đưa ra những yêu cầu mà học sinh cần tìm hiểu và khi kết thúc hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ viết bài thu hoạch, hoặc xây dựng các sản phẩm học tập để thuyết trình, báo cáo...

Bắc Ninh: Khai thác tiềm năng du lịch học đường - Ảnh 1.

Học sinh tìm hiểu dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Ở Bắc Ninh, điểm đến được nhiều trường học trong và ngoài tỉnh quan tâm lựa chọn để đưa học sinh đến tham quan, tiếp cận tìm hiểu và tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa như: Đền Đô (thành phố Từ Sơn), Bảo tàng tỉnh, Văn miếu Bắc Ninh, làng Diềm (thành phố Bắc Ninh), làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành), làng gốm Phù Lãng (Quế Võ), khu di tích đền thờ Lý Thường Kiệt (Yên Phong), đền thờ Nguyễn Cao (Quế Võ), đền thờ Lê Văn Thịnh (Gia Bình)...

Bắc Ninh: Khai thác tiềm năng du lịch học đường - Ảnh 2.

Học sinh hào hứng với hoạt động “Hũ gạo tiết kiệm” trong khuôn khổ trưng bày chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng tỉnh.

Chia sẻ lý do lựa chọn Bắc Ninh là điểm đến học tập trải nghiệm, cô Trần Vân Khánh, giáo viên lịch sử Trường THPT liên cấp Olympia (Hà Nội) cho biết: Dựa trên nội dung bài học môn lịch sử có những chuyên đề học tập liên quan đến các nền văn minh cổ của Việt Nam và việc bảo tồn di sản văn hóa, chúng tôi đã chọn Bắc Ninh bởi đây là vùng đất được xem như nơi khởi nguồn của nền văn minh Đại Việt. Hơn nữa, Bắc Ninh còn rất chú trọng công tác bảo tồn di tích, di sản văn hóa và đang quan tâm tận dụng, khai thác nguồn lực di sản để phát triển du lịch. Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh để xây dựng tour học tập trải nghiệm cho gần 100 học sinh khối 10 đến tham quan 3 địa điểm là: Chùa Dâu - nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam; Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ để tìm hiểu về dòng tranh thuần Việt độc đáo; khu di tích quốc gia đặc biệt đền Đô - nơi thờ các vị vua triều Lý. Khi đưa học sinh đến đây, chúng tôi mong muốn sẽ khơi gợi niềm cảm hứng học môn lịch sử cho học sinh, để các em thấy rằng học lịch sử thú vị và không nhàm chán. Sau chuyến thực tế này, trường chúng tôi còn tổ chức Ngày hội di sản, tạo cơ hội cho học sinh trình diễn báo cáo sản phẩm học tập thông qua biểu diễn trang phục truyền thống, hát Quan họ, triển lãm tranh, tổ chức các hoạt động tương tác với di sản như trò chơi, ẩm thực...

Để thu hút và đáp ứng nhu cầu của các đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan nghiên cứu, thời gian gần đây Bảo tàng Bắc Ninh tích cực đổi mới phương thức hoạt động, gắn trưng bày chuyên đề với nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích, lý thú như: Truy tìm hiện vật, In văn via, Hũ gạo tiết kiệm, Em yêu lịch sử...; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai phong phú hoạt động giáo dục trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh như: In tranh Đông Hồ, chuốt gốm Phù Lãng, tự tay làm bánh trung thu, gói bánh chưng, pha chế đồ uống từ hoa quả; các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, nhảy sạp, tô tranh tượng, kéo co, úp nơm bắt cá; các hoạt động tập thể như chiến sĩ với thao trường, chiến sĩ đặc nhiệm, vượt cản lên cầu kiều… Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh cũng bắt đầu quan tâm phối hợp tổ chức giờ học lịch sử trực tuyến, mở rộng hoạt động tương tác với di sản nhằm mang đến cho học sinh, sinh viên những giờ ngoại khóa bổ ích thiết thực.

Khi tham gia trải nghiệm, học sinh không chỉ được tiếp cận thực tiễn phong phú và tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa, giúp các em thêm hiểu biết và tự hào về quê hương, mà còn là cơ hội để các em tăng cường vận động, chủ động bồi dưỡng kỹ năng sống, gia tăng khả năng làm việc nhóm... Những bài học được chuyển tải dễ hiểu, dễ nhớ thông qua hình ảnh trực quan sinh động, nghe thuyết minh, kể chuyện lịch sử, hoặc tự tay in tranh Đông Hồ, mặc thử trang phục liền anh liền chị, têm trầu cánh phượng, giao lưu cùng nghệ nhân... đã mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tiễn đầy hào hứng và thú vị. Em Nguyễn Trường Giang, lớp 10 (Hà Nội) hào hứng: Sau hơn một giờ trải nghiệm ở Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, em biết thêm nhiều kiến thức mới. Đến đây em mới biết nguyên liệu làm tranh Đông Hồ đều từ cây cỏ thiên nhiên. Càng nghe em càng thấy thú vị và nhất định em sẽ dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn về dòng tranh độc đáo này.

Nhận định của giới chuyên môn, số lượng các sản phẩm du lịch học đường vẫn khá sơ sài, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao. Hy vọng bằng tâm huyết với thế hệ tương lai, các cấp, ngành, địa phương, các nhà trường, bậc phụ huynh sẽ dành sự quan tâm đầu tư đích đáng để thiết kế cho con em mình những tour du lịch chất lượng, xây dựng những sản phẩm du lịch học đường bổ ích, hấp dẫn, có chiều sâu.

Theo Báo Bắc Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×