Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn: Số hóa bảo tồn thư tịch cổ của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

31/07/2018 | 10:47

Bắc Kạn có bảy dân tộc cùng sinh sống và phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua nhiều thế hệ, những di sản văn hóa của các dân tộc vẫn được lưu giữ khá nhiều trong cộng đồng, nhất là thư tịch cổ, di vật, cổ vật, tài liệu… Trong đó, nhiều tài liệu là độc bản, nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác sưu tầm và thực hiện số hóa tài liệu của các dân tộc thiểu số để bảo tồn.

Nhà văn Nông Viết Toại (bên phải) là một trong số ít người có thể đọc
và hiểu thư tịch cổ tại Bắc Kạn.

Thư tịch cổ ở Bắc Kạn tồn tại theo hình thức truyền tay từ đời này qua đời khác, có những cuốn tuổi đời hơn trăm năm. Nội dung ghi chép cách thức tổ chức nghi lễ như cấp sắc, cầu mùa, cầu an, đám hiếu,… Mỗi dân tộc lại có những bộ thư tịch riêng gắn với từng dòng họ, thậm chí là từng gia đình và phần lớn là độc bản. Những người giữ thư tịch cổ đều tuổi cao, có uy tín, thông thạo chữ cổ, thành thục lễ nghi, có uy tín trong bản, làng. Cũng vì khó truyền lại cho lớp trẻ nên nguy cơ thất truyền thư tịch cổ ngày càng hiện hữu.

Các thư tịch cổ chủ yếu sử dụng chữ Hán Nôm, song hiện tại những người am hiểu, thông thạo chữ Hán Nôm không còn nhiều ở các bản, làng. Đơn cử như ông Triệu Tiến Vinh, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn là người giỏi nhất về chữ Nôm Dao thì vừa mới mất, chữ Nôm Tày hiện chỉ còn cụ Hoàng Văn Phúc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm là thành thạo. Đáng tiếc, ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, không còn một ai trong cộng đồng có thể đọc và hiểu được văn tự trên chiếc chuông cổ tại địa phương.

Gia đình ông Bế Đình Giai, dân tộc Tày, ở thôn Bản Nhì, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn hiện lưu giữ ba cuốn thư tịch cổ gồm Thơ lẩu (Thơ đám cưới), Then giải hạn, Truyện cổ Tống Trân- Cúc Hoa, Phạm Tải- Ngọc Hoa truyền đời từ năm 1913. Ông Giai cho biết, nội dung các cuốn đều gắn liền với sinh hoạt lễ nghi của dân tộc Tày rất phong phú, như: Thơ lẩu có hơn 80 bài, Then giải hạn hơn 100 bài, nhưng để hiểu hết thì phải là người cao tuổi, đã được truyền dạy bài bản. Gia đình chỉ lưu giữ, coi đây như một vật báu của dòng họ.

Nhiều cuốn thư tịch cổ, nội dung mang tính giáo dục cao, viết bằng chữ Hán Nôm cũng đang nằm trong tủ của một số hộ dân vùng sâu, vùng xa. Ông Triệu Xuân Hòa, dân tộc Dao, ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông là đời thứ bảy lưu giữ cuốn Sách học đạo đức (Chợ Shồng) của dân tộc Dao. Ông Hòa cho biết, cuốn sách dạy đạo lý, lễ nghi làm người của dân tộc Dao, từ những điều đơn giản như đi, đứng, nói, cho tới những hành động giúp đỡ người già, trẻ nhỏ… Muốn đọc, hiểu sách phải học chữ, học làm thầy vì sách viết bằng chữ Nôm Dao, tuy nhiên, lớp trẻ giờ không mặn mà nên sách cũng chỉ để đó, giữ không khéo có thể hư hỏng, thất truyền.

Theo ông Triệu Quang Phùng, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, những người am hiểu, biết làm nghi lễ theo thư tịch cổ như ông, phần lớn ở tuổi gần đất, xa trời. Vì vậy, việc sưu tầm, bảo tồn thư tịch cổ cho đời sau là cần thiết để sách cổ không thất truyền, nghi lễ, nghi thức dân tộc được gìn giữ.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị những thư tịch cổ quý hiếm đang đứng trước nguy cơ mai một, năm 2018, UBND tỉnh Bắc Cạn đã đầu tư 250 triệu đồng và giao Thư viện tỉnh thực hiện đề án sưu tầm, số hóa tài liệu các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc số hóa được thực hiện theo phương pháp chụp ảnh, quét thành dữ liệu lưu trên máy tính, bảo đảm thông tin đúng hiện trạng, nội dung từng thư tịch cổ. Bên cạnh đó, từ sự tài trợ của Quỹ Bill và Melida Gates (Mỹ), Thư viện tỉnh Bắc Cạn được trang bị máy chủ, máy chiếu, máy scanner quét ảnh, 40 máy tính, thiết bị ngoại vi… đáp ứng cho việc số hóa các tài liệu, thư tịch cổ. Đến nay, đơn vị đã điền dã, chụp ảnh thu thập được 88 hiện vật, hơn 64 cuốn thư tịch cổ với 3.497 trang tư liệu. Những tài liệu, hiện vật thu thập được mang tính độc đáo về hình thức thể hiện trên vải, gỗ, giấy dó, kim loại…, độc bản trong nội dung, ngôn ngữ, hoa văn, ký hiệu… Dự kiến, số lượng thư tịch, tài liệu cổ được sao lưu trong thời gian tới sẽ khoảng 150 cuốn.

Theo Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Kạn Mai Thị Nga, cơ quan này đã tập trung sưu tầm thư tịch cổ về nguồn gốc, quá trình phát triển, phản ánh cuộc sống vật chất, văn hóa tinh thần, phong tục, tập quán… của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Dữ liệu được định dạng, sao lưu định kỳ bảo đảm khả năng phục hồi, nhập vào phần mềm thư viện số, tạo nguồn tài nguyên thông tin truyền thông rộng rãi, phục vụ tra cứu, nghiên cứu, phát huy trong tương lai.

Do số người am hiểu, có thể dịch nghĩa những thư tịch cổ không còn nhiều, trong khi việc dịch là cần thiết để nội dung sưu tầm được truyền dạy, quảng bá dễ dàng hơn, cho nên lãnh đạo Thư viện tỉnh mong muốn cùng với việc số hóa để bảo tồn, tỉnh Bắc Cạn và các đơn vị tài trợ cần quan tâm công tác dịch để có thể bảo tồn, phát huy bền vững những di sản vật thể ý nghĩa này./.

Theo Nhân dân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×