Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn: Phát triển du lịch từ lợi thế nông - lâm nghiệp

25/03/2021 | 13:19

Với tiềm năng sẵn có từ thế mạnh nông - lâm nghiệp, Bắc Kạn đang định hướng khai thác sản phẩm du lịch này nhằm mở ra hướng đi mới cho du lịch nông thôn.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Mỗi độ Tết đến Xuân về, nhiều bản làng ở Bắc Kạn rực rỡ sắc đào, mơ, mận trên các triền non cao. Xã Xuân La, huyện Pác Nặm và các xã Đức Vân, Vân Tùng của huyện Ngân Sơn những năm gần đây đã quan tâm phát triển cây trồng lợi thế này. Hộ ít thì vài chục gốc, hộ nhiều hàng trăm gốc, được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Tất cả bung hoa vào cùng thời điểm đã tạo nên một cảnh sắc hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan. Hầu hết các vườn mơ, mận nằm dọc Quốc lộ 3 và các tuyến đường chính của các huyện nên hứa hẹn sẽ là một điểm đến du lịch lý thú trong dịp Tết những năm tiếp theo.

Bắc Kạn: Phát triển du lịch từ lợi thế nông - lâm nghiệp - Ảnh 1.

Vẻ đẹp của rừng mận tại huyện Ngân Sơn là điểm đến hấp dẫn du khách mỗi dịp Xuân về (Ảnh: Hồng Luyến)

Không chỉ ở vùng cao mà ngay tại thành phố Bắc Kạn, tuyến đường Phặc Tràng (xã Dương Quang) dọc bên Sông Cầu rực rỡ sắc đào phai đã thu hút người dân đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh mỗi dịp Xuân về. Ba năm trước, UBND thành phố chỉ đạo ngành chức năng, các phường tập trung thu gom các gốc đào do người dân bỏ đi sau Tết, đưa về trồng tập trung ở tuyến đường này. Mỗi khi Tết đến, người dân khắp nơi xa gần đến chụp ảnh lưu lại nét đẹp của con đường hoa. Điều đó cho thấy chủ trương phát triển cây xanh và tạo cảnh sắc của thành phố là đúng đắn.

Nằm tại cánh đồng Pác Chản thuộc xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, cánh đồng dâu tây rộng 8.000 m2 của Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân đang thu hút rất nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Cây dâu tây được HTX trồng thử nghiệm từ tháng 10 năm 2020, sau hơn 2 tháng bắt đầu cho quả. Có những ngày vườn dâu đón vài trăm lượt khách đến tham quan. Với mục tiêu quảng bá sản phẩm là chủ yếu, việc thí điểm mô hình để mở rộng những năm tiếp theo, nhà vườn không thu phí tham quan, du khách đến đây được thưởng thức sản phẩm miễn phí. Quả dâu được bán với giá 200.000 đ/kg. Đa phần sản phẩm được bán ngay tại vườn cho du khách nên đầu ra thuận lợi. Vào thời điểm chính vụ, HTX thu được từ 7 triệu đến 10 triệu đồng mỗi ngày, có những ngày cao điểm, doanh thu gấp đôi ngày thường. Đây được xem là hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch.

Bắc Kạn: Phát triển du lịch từ lợi thế nông - lâm nghiệp - Ảnh 2.

Du khách chụp ảnh tại vườn dâu tây của HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân, xã Nam Cường,huyện Chợ Đồn (Ảnh: Tuấn Anh)

Còn tại huyện Ba Bể, khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh với lợi thế Vườn Quốc gia Ba Bể, trong đó, hồ Ba Bể có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm đã và đang thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Xung quanh khu vực này, hiện nay người dân đang phát triển một số mô hình nông nghiệp tạo tiềm năng với phát triển du lịch. Khách du lịch có thể trải nghiệm hoạt động đánh bắt cá và chế biến tép chua ngay tại làng nghề thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Ba Bể còn rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác có thể kết hợp để du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Mô hình trồng hồng không hạt tại xã Quảng Khê, mô hình trồng chè ở xã Chu Hương, Mỹ Phương; dong riềng ở xã Yến Dương, Phúc Lộc, Chu Hương, Mỹ Phương; bí xanh thơm ở xã Địa Linh, Yến Dương…

Một cung đường khác, dọc theo tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn qua huyện Bạch Thông đến Chợ Đồn, du khách có thể tham quan, trải nghiệm mô hình trồng cam, quýt tại xã Quang Thuận, Dương Phong, mô hình trồng ổi, trồng chè của thôn Phiêng An, xã Quang Thuận của huyện Bạch Thông. Mô hình trồng lúa bao thai, lúa Japonica tại xã Đồng Thắng, xã Phương Viên, hay mô hình làng nghề trồng và sản xuất chè Shan tuyết, làng nghề sản xuất rượu men lá tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn cũng là điểm đến hấp dẫn du khách trên tuyến tham quan khu ATK Chợ Đồn.

Tiềm năng nông nghiệp từ những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống… trải dài khắp các địa phương của tỉnh chính là cơ sở tiền đề để thúc đẩy du lịch. Và ở chiều ngược lại, phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống nông thôn.

Tạo động lực để phát triển

Với nhiều lợi thế, song, khai thác du lịch từ lĩnh vực nông - lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn vẫn còn ở dạng tiềm năng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 600 lao động tham gia làm việc trực tiếp liên quan đến du lịch nông thôn, tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của đơn vị kinh doanh du lịch vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch tại các khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu do chưa được đào tạo cũng như hướng dẫn nghiệp vụ. Đại đa số đội ngũ lao động tại khu vực nông thôn chủ yếu là nông dân gắn bó với ruộng, vườn... nên tư duy phát triển du lịch nông nghiệp còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn chưa có điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Hoạt động du lịch cộng đồng đang mang tính tự phát. Việc khai thác các tuyến du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là kết hợp tham quan Khu du lịch Ba Bể. Ngoài ra, các điểm tham quan, điểm du lịch ở một số địa phương khác còn khá sơ khai, chưa có đầu tư tôn tạo các hạng mục xứng tầm, hạ tầng để phục vụ du lịch chưa được đầu tư theo quy mô để đón khách du lịch… Vì vậy, việc khai thác các tuyến, điểm du lịch cũng chưa hiệu quả, số lượng khách đi theo các tuyến này còn ít, chủ yếu khách du lịch lựa chọn địa điểm đi phù hợp với nhu cầu thị hiếu và đảm bảo thời gian của chuyến đi.

Từ thực trạng trên, tỉnh Bắc Kạn xác định mục tiêu phát triển nông - lâm nghiệp, thúc đẩy việc hình thành các vùng, HTX sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp gắn với các hoạt động du lịch; tăng cường khai thác hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp. Việc gắn kết hai lĩnh vực này sẽ làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo cho Nhân dân, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Bắc Kạn định hướng xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tạo nên sự phong phú, hấp dẫn để phát triển du lịch địa phương. Gắn với tuyến du lịch hồ Ba Bể là xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất bí xanh thơm tại xã Yến Dương, xã Địa Linh; sản xuất và chế biến chè tại xã Mỹ Phương; vùng trồng hồng không hạt tại xã Quảng Khê thuộc huyện Ba Bể. Hay mô hình tham quan trải nghiệm vùng trồng cây ăn quả tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông gắn với tuyến du lịch trải nghiệm, tham quan rừng đặc dụng Nam Xuân Lạc; mô hình du lịch trải nghiệm vùng đào, lê, dẻ huyện Ngân Sơn gắn với tuyến du lịch Ba Bể - Pác Bó - thác Bản Giốc của tỉnh Cao Bằng.

Bắc Kạn: Phát triển du lịch từ lợi thế nông - lâm nghiệp - Ảnh 3.

Mô hình tham quan vùng trồng cây ăn quả tại huyện Bạch Thông là một trải nghiệm hấp dẫn du khách

Việc phát triển làng nghề chế biến nông sản gắn với du lịch trải nghiệm tại địa phương cũng được định hướng cụ thể. Tại huyện Ba Bể, xây dựng làng nghề sản xuất tép chua tại xã Khang Ninh; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các cơ sở trong chế biến, kinh doanh; hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng đối với khu chế biến nông sản (tép) của mỗi cơ sở phù hợp cho việc tham quan; hỗ trợ xây dựng 01 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của vùng sản xuất tép chua tại khu trung tâm để phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 20 cơ sở sản xuất tép chua và hình thành làng nghề chuyên sản xuất tép chua phục vụ thị trường và khách du lịch.

Tại huyện Chợ Đồn, xây dựng làng nghề sản xuất rượu bằng men lá tại xã Bằng Phúc; hỗ trợ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng; hỗ trợ xây dựng 01 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm rượu men lá Bằng Phúc tại khu trung tâm để phấn đấu đến năm 2025, trở thành làng nghề chuyên nấu rượu men lá Bằng Phúc.

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển dịch vụ hỗ trợ như nâng cấp điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản và các sản phẩm OCOP phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh đến mua hàng và dừng chân tại huyện Ba Bể và thành phố Bắc Kạn.

Có thể nhận thấy, nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Với nhiều giải pháp thực hiện, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực để triển vọng du lịch nông nghiệp thêm điều kiện bứt phá./.

Theo backan.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×