Bắc Kạn: Phát huy lợi thế, từng bước triển ngành công nghiệp văn hóa
11/01/2023 | 10:54Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, ngành công nghiệp văn hóa vẫn là một khái niệm mới mẻ và chưa có nhiều chuyển biến rõ nét đối với một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như Bắc Kạn.
Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định, phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua tạo việc làm và mở rộng các thị trường mới. Quyết định cũng nêu rõ 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành theo Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 4/4/2017 của UBND tỉnh đề ra mục tiêu:
Phấn đấu đến năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Định hướng đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 5% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Tập trung phát triển một số ngành sẵn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh gồm: Nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; phát thanh và truyền hình, báo, tạp chí, internet, du lịch văn hóa.
Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Điện ảnh; kiến trúc; thời trang; thiết kế; xuất bản; thủ công mỹ nghệ; tổ chức sự kiện; phần mềm và các trò chơi giải trí trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn.
Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh một cách bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; hình thành các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế.
Triển khai thực hiện các mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, du lịch văn hóa, trong đó chú trọng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, dịch vụ du lịch để đóng góp vào GDP và tạo nhiều việc làm cho xã hội. Với tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nổi bật là hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ cho các hoạt động du lịch văn hóa.
Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án du lịch, đồng thời tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội; tổ chức nhiều hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Để tạo lập cơ sở cho thị trường văn hóa, du lịch phát triển, tỉnh đã chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; tích cực triển khai các bước Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn. Đáng chú ý là HĐND tỉnh khóa X đã có nghị quyết về đầu tư xây dựng sân vận động của tỉnh Bắc Kạn với quy mô tối đa 15.000 chỗ ngồi theo TCVN 4205:2012, với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo về phương án đầu tư công trình sân vận động và các hạng mục phụ trợ; theo lộ trình, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Cùng với việc đầu tư về hạ tầng, tỉnh đã quan tâm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, nghiệp vụ kinh doanh lưu trú du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý; tổ chức đào tạo nghề thuộc lĩnh vực du lịch, bồi dưỡng kỹ năng thực hành dịch vụ du lịch cho cộng đồng dân cư và cơ sở lưu trú. Tỉnh cũng chú trọng khuyến khích, phát huy sức sáng tạo trong Nhân dân để tạo ra những sản phẩm văn hóa, đặc biệt là sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đem lại giá trị kinh tế, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa, dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Bắc Kạn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó đa số là các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành; 17 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe; hơn 60 điểm bán hàng dịch vụ phục vụ khách du lịch. UBND tỉnh đang giao các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích, ưu đãi thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các hoạt động dịch vụ văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm… vẫn là những ẩn số khó giải. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do nhiều yếu tố đặc thù, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho Nhân dân theo hình thức miễn phí. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa có tổ chức, cá nhân nào tham gia kinh doanh hoạt động sản xuất điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó, mức thu nhập của người dân chưa cao dẫn đến chưa phát sinh nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa có tính chất nghệ thuật cao, mang yếu tố kinh tế thị trường.
Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, ưu đãi thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các hoạt động dịch vụ văn hóa nói riêng và các hoạt động kinh tế khác nói chung trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển một số ngành sẵn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là ngành du lịch văn hóa, đồng thời định hướng và từng bước phát triển các ngành điện ảnh, kiến trúc, thời trang, thiết kế, xuất bản, thủ công mỹ nghệ, tổ chức sự kiện, phần mềm và các trò chơi giải trí trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, từng bước hình thành các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế để đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.