Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn: Lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong thế hệ trẻ

28/09/2023 | 09:19

Qua 5 năm tổ chức, Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều bạn trẻ có tình yêu với việc đọc sách và kỹ năng đọc tốt, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Em Hứa Thanh Trà, học sinh lớp 5A4, Trường tiểu học Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn) là gương mặt quen thuộc trong Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” những năm gần đây. Tham gia thi từ năm học lớp 1, đến nay, Trà đã có trong tay 1 giải “Đại sứ Văn hóa đọc” Quốc gia và 3 giải cấp tỉnh.

Bắc Kạn: Lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Em Hứa Thanh Trà, Trường Tiểu học Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn có niềm đam mê đọc sách từ khi còn nhỏ

Nhắc về đọc sách, Trà chia sẻ, mỗi ngày em thường dành gần một tiếng để đọc sách. Em đọc sách theo sở thích, đọc truyện tranh, truyện trinh thám và sách kiến thức khác nhau. Đọc sách giúp em học tốt hơn, nhất là môn Tiếng Việt. Em ít bị sai lỗi chính tả, khi viết tập làm văn có thể làm nhanh hơn. Em còn có nhiều kiến thức bên ngoài sách giáo khoa, ví dụ như có lần thi Rung chuông vàng ở trường, có những câu hỏi về hiểu biết xã hội, em đều trả lời được.

Được tự chọn sách đúng theo sở thích và tìm được niềm đam mê với sách, cô học trò nhỏ tốt lên mỗi ngày. Hiện nay, Thanh Trà đang là lớp phó văn thể và luôn giữ vững thành tích học sinh xuất sắc. Ngoài ra, em còn thường xuyên tự sáng tác truyện tranh để nuôi dưỡng ước mơ lớn một ngày không xa.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức hằng năm là hoạt động bổ ích và trở thành sân chơi tri thức đầy ý nghĩa nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với mọi lứa tuổi, tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là học sinh, thúc đẩy giá trị văn hóa đọc, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa, phát triển kinh tế đất nước. Quá trình tổ chức Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo thí sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Giai đoạn từ 2019 - 2022, đã có 19.960 thí sinh là học sinh của 356 trường học trên địa bàn tỉnh tham dự Cuộc thi, trong đó có 268 bài dự thi lọt vào vòng sơ khảo và 88 bài dự thi tham dự vòng chung kết Cuộc thi. Số lượng bài dự thi của các thí sinh đã tăng theo từng năm, chất lượng bài dự thi ngày càng cao, các thí sinh đã thể hiện niềm say mê thực thụ đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết của mình để thực hiện bài dự thi với sự đầu tư công phu, sáng tạo về cả nội dung và hình thức.

Bắc Kạn: Lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Không gian đọc sách và tương tác sinh hoạt Đội của Trường THCS Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn

Có được kết quả trên cũng một phần nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, Ban Giám hiệu các nhà trường cùng sự hướng dẫn chu đáo, trách nhiệm của các thầy, cô giáo và sự động viên khích lệ của phụ huynh. Cô giáo Đoàn Thị Dung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) cho biết, nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh đọc sách. Thư viện của trường với nhiều đầu sách phong phú mở trong những giờ ra chơi và buổi chiều để các em có thể lên mượn mang về hoặc ngồi đọc sách. Ngoài ra, các lớp học đều có tủ sách riêng, cán bộ lớp thường xuyên lên thư viện trường để đổi sách và báo mới. Việc đọc sách giúp học sinh có cái nhìn đa dạng hơn, đồng thời góp phần nâng cao trí thức và nuôi dưỡng tâm hồn các em.

Tuy nhiên, điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn cho nên kinh phí cấp cho Cuộc thi còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô tổ chức. Công tác xã hội hóa, vận động các nhà tài trợ, hảo tâm để tăng nguồn kinh phí cho tổ chức Cuộc thi đã được triển khai nhưng chưa thường xuyên. Ngoài ra, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức nhiều năm cho cùng một đối tượng, hình thức làm bài dự thi, cùng với bộ câu hỏi nội dung ít có sự thay đổi, do vậy cũng gây sự nhàm chán cho thí sinh, do tâm lý của lứa tuổi thiếu niên yêu thích tìm đến sự mới lạ.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Thị Dung, thời gian tới, Cuộc thi cần đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và đa dạng đối tượng tham gia; lựa chọn thời gian phát động Cuộc thi phù hợp với đối tượng dự thi. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các nhà tài trợ tạo thêm nguồn lực để tổ chức Cuộc thi và các hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Tin tưởng rằng, với những sự đổi mới sắp tới, Cuộc thi sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành hoạt động thực sự ý nghĩa, thiết thực đối với các em học sinh, tìm kiếm những bạn trẻ có niềm đam mê với sách. Từ đó, chính các em sẽ trở thành người truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng./.

Theo Cổng TTĐT Bắc Kạn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×