Bắc Kạn: Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
08/01/2021 | 10:44Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc đã được các cấp và ngành chức năng của tỉnh chú trọng. Kết quả đạt được góp phần nâng cao nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với các di sản văn hóa.
Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Vì thế, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng. Đối với tỉnh Bắc Kạn, trong những năm qua, để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, các cấp, ngành, địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, có các hoạt động cụ thể nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong thực tiễn.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 lấy ngày 19/4 hằng năm làm "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam", các hoạt động càng được đẩy mạnh. Hoạt động giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc được triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, tạo được hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đến thời điểm này, có 16 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào "Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Cụ thể, gồm: “Múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn”; “Chữ viết của dân tộc Dao”; “Nghi lễ quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao ở Bắc Kạn”; “Lễ cấp sắc của then Tày”; “Chữ Nôm của dân tộc Tày”; “Lượn slương của dân tộc Tày”; “Lễ hội lồng tồng Ba Bể”; “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày”; “Lễ cầu năm mới, cầu mùa của dân tộc Dao”; “Lễ mừng sinh nhật (mừng thọ) của người Nùng”; “Lễ cấp sắc cho thầy Tào của người Tày”; “Lễ cấp sắc pụt (lẩu pụt) của người Tày”; “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ”; “Lượn cọi của người Tày huyện Pác Nặm”; “Hát pá dung của người Dao” và “Lễ kỳ yên của người Tày”.
Để góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, giai đoạn 2018 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đối với 03 di sản, gồm: “Lễ cấp sắc của then Tày”; “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày” và “Múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn”.
Thông qua các hoạt động, dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020" đã tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá về di sản; tổ chức 09 lớp tập huấn, truyền dạy các bí quyết thực hành di sản; thành lập và duy trì hoạt động 03 câu lạc bộ hát then - đàn tính, 02 mô hình bảo tồn và thực hành nghề dệt thủ công truyền thống, 03 câu lạc bộ múa khèn; xây dựng 03 phim tài liệu có phụ đề về các di sản văn hóa phi vật thể kể trên (mỗi phim có thời lượng 30 phút). Đồng thời, sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày, giới thiệu về di sản tại Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn...
Mục tiêu dự án đặt ra là bảo tồn cả không gian văn hóa, môi trường tồn tại của di sản. Đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, góp phần chuyển biến về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với các di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Kết quả bước đầu của dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020" khá tích cực. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, cùng với việc làm tốt công tác kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu các di sản văn hóa tại địa phương bằng những việc làm như: Xác định số lượng, người thực hành, sức sống, không gian diễn xướng... của di sản trong cộng đồng. Quay phim, chụp ảnh, ghi âm thực hành di sản để xây dựng ngân hàng dữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhân rộng mô hình điểm về truyền dạy di sản trong cộng đồng; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác di sản văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.
Chú trọng thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ tại cộng đồng vừa để bảo tồn, phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ, vừa là kênh để tập hợp những người am hiểu, đam mê làm đầu mối trong việc thực hành, truyền dạy, khi cần có thể tập hợp để phục vụ du lịch, phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng, địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền làm cho người dân ý thức được và hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Giáo dục & Đào tạo để từng bước đưa di sản vào truyền dạy trong trường học, trước mắt tập trung thực hiện tại các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng để biến những di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và có giá trị cao để phục vụ khách du lịch.
Đồng thời, tham mưu với cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các chính sách cụ thể đối với việc bảo tồn, phát huy các di sản để khuyến khích những người có tâm huyết thực hiện truyền dạy cho thế hệ trẻ, phát huy giá trị của di sản; tạo điều kiện, hỗ trợ các câu lạc bộ dân ca, dân vũ của cộng đồng trong việc tổ chức, truyền dạy, sinh hoạt, hoạt động phục vụ du lịch, văn hóa văn nghệ của địa phương./.