Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Giang: Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình

28/03/2024 | 15:49

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2024. Tham dự có 162 học viên đại diện một số ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang nhấn mạnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình trạng BLGĐ vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức gây tổn hại sức khoẻ, thể chất, tổn thương về tinh thần, tâm lý nạn nhân, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Bắc Giang: Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Các đại biểu, học viên dự hội nghị.

Việc tổ chức hội nghị nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, phương thức phòng, chống BLGĐ để đội ngũ cán bộ các cấp tuyên truyền, thực hiện hiệu quả. Qua đó, giúp mọi người nắm bắt rõ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, phát huy vai trò cá nhân, gia đình và cộng đồng trong phòng, chống BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bắc Giang: Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 2.

Báo cáo viên Hoa Hữu Vân truyền đạt những điểm mới của Luật Phòng chống BLGĐ năm 2022.

Tại hội nghị, các học viên được ông Hoa Hữu Vân, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) truyền đạt quan điểm, mục tiêu chính sách của Luật phòng, chống BLGĐ 2022; những điểm mới của Luật; phương thức phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Theo báo cáo viên, Luật Phòng, chống BLGĐ 2022 có hiệu lực từ 1/7/2023 với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung so với Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 nhằm khắc phục những bất cập trong phòng, chống BLGĐ, bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc.

Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác phòng, chống BLGĐ, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật mới gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với luật năm 2007. Trong đó sửa đổi giúp mọi người hiểu rõ khái niệm BLGĐ; bổ sung 7 nhóm hành vi BLGĐ, hình thức tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ; nơi tiếp nhận tin báo BLGĐ và các biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ người bị BLGĐ…

Bắc Giang: Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 3.

Học viên thảo luận về hành vi BLGĐ.

Thông qua các ví dụ cụ thể trong đời sống thực tiễn, báo cáo viên gợi mở, tạo điều kiện cho học viên cùng cùng trao đổi, thảo luận để nhận diện chính xác các hành vi BLGĐ, hình thức xử lý vi phạm. Từ đó đi đến thống nhất, hành vi BLGĐ gồm tất cả hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, BLGĐ nhiều khi chưa được nhận diện rõ hoặc khó phát hiện, ít được tố giác, báo cáo.

Bởi vậy, phòng, chống BLGĐ phải bắt đầu từ gia đình, lấy phòng ngừa là yếu tố chính. Cần đa dạng hóa các phương thức truyền thông trong công tác này. Huy động sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ, hội đoàn thể ở thôn, tổ dân phố trong tuyên truyền, nắm bắt và vận động, hòa giải; nâng cao trách nhiệm xử lý, giải quyết của UBND cấp xã khi xảy ra BLGĐ. Quá trình xử lý cần quan tâm đến đối tượng yếu thế là phụ nữ, người già và trẻ em; tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan.


Theo Báo Bắc Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×