Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Giang: Điểm đến mới, hấp dẫn

27/06/2023 | 09:16

Bắc Giang là một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, nằm ở vùng trung du miền núi Đông Bắc, sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như du lịch tâm linh, văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, trong đó, các tour trải nghiệm vườn cây ăn quả hiện là thế mạnh nổi trội. Thời gian qua, Bắc Giang nổi lên như là điểm đến mới, hấp dẫn ở khu vực phía Bắc.

Bắc Giang: Điểm đến mới, hấp dẫn - Ảnh 1.

Du khách thích thú check-in tại vườn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang.

“Miệt vườn” của Bắc Bộ

Trải qua các thời kỳ lịch sử, gần 20 dân tộc anh em Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ, Cao Lan, Kinh... đã tụ họp về Bắc Giang sinh cơ lập nghiệp. Bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của Bắc Giang được thể hiện qua hệ thống di sản văn hóa dày đặc, bao gồm 2.527 di tích, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 500 lễ hội dân gian truyền thống và 3 loại hình di sản văn hóa, di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh là ca trù, dân ca quan họ, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Nơi đây còn hội tụ nhiều làng nghề và sản vật nổi tiếng như làng gốm Thổ Hà, làng nghề mây, tre đan Tăng Tiến, mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, bún Đa Mai...

Được thiên nhiên ưu đãi nên Bắc Giang sở hữu nhiều ao hồ, sông suối, rừng nguyên sinh còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Mỡ, Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử... Tại đây, du khách có thể hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tham gia các hoạt động thú vị như dạo chơi trên hồ bằng thuyền, tắm thác, cắm trại, câu cá; khám phá đời sống của đồng bào các dân tộc và thưởng thức các đặc sản mang nét văn hóa bản địa độc đáo.

Ngoài ra, với điều kiện thổ nhưỡng màu mỡ và khí hậu thuận lợi nên Bắc Giang còn được ví như “miệt vườn” của Bắc Bộ. Bắc Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước với 29.700ha, sản lượng năm 2023 dự kiến đạt hơn 180 nghìn tấn, trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 53%. Bắc Giang hiện có 235 mã vùng trồng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Australia... Vào mùa hè, từ tháng 5 - 7, các vườn vải không chỉ nhộn nhịp cảnh thu hái để phục vụ xuất khẩu mà còn là điểm tham quan thu hút khách. Vào các mùa khác trong năm, vùng đất trù phú này được tô điểm bằng màu sắc rực rỡ của những vườn bưởi, cam, quýt trĩu quả, khẳng định thương hiệu “miệt vườn” của Bắc Bộ, đồng thời trở thành sản phẩm tour hấp dẫn khách du lịch.

Lần đầu tiên đến với vùng đất Bắc Giang, du khách Đan Mạch Michael Martensen không khỏi ngạc nhiên trước những trải nghiệm khác biệt tại đây: “Tôi đã có một chuyến đi thú vị tới Bắc Giang với những trải nghiệm mới mẻ chưa từng có. Tôi đã được thưởng thức những trái vải ngon, thăm các đình chùa, làng nghề và hòa mình vào cuộc sống cùng người dân bản địa. Tôi sẽ giới thiệu hành trình này với người thân và bạn bè”.

Đẩy mạnh quảng bá để thu hút khách

Nguồn tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đa dạng trên là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp với những tour tuyến và sản phẩm du lịch đặc sắc. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đón 1,3 triệu lượt khách, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch ước đạt 690 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng lưu trú ước đạt 65%. Một số điểm đến thu hút đông du khách trong thời gian qua là Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, điểm du lịch bản Ven, du lịch mùa vải thiều Lục Ngạn...

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, để thu hút khách du lịch nhiều hơn, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch song song với đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú. “Bắc Giang có nhiều sản phẩm khác biệt nhưng thông tin đến với du khách quá ít. Tại đây mới có các nhà nghỉ, khách sạn 1 - 2 sao nên khó kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách”, Giám đốc Công ty TNHH Life - Cuộc sống Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.

Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh có thể tận dụng các vườn vải để tổ chức các chương trình nghệ thuật giải trí với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như mô hình ở Đà Lạt hay Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc) nhằm thu hút đối tượng khách trẻ có mức chi tiêu cao, góp phần gia tăng các dịch vụ đồng thời lan tỏa thông tin, hình ảnh du lịch Bắc Giang rộng rãi hơn.

Thời gian qua, một số đơn vị lữ hành ở Hà Nội đã phối hợp cùng Bắc Giang trong các hoạt động liên kết, xây dựng sản phẩm, đưa khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận về với tỉnh. Đánh giá cao về thị trường khách này, Phó Giám đốc Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, tỉnh sẽ tập trung khai thác nguồn khách này bằng các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn như gắn kết các sản phẩm nông nghiệp với du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử, làng nghề; mở các tuyến phố đi bộ tại thành phố Bắc Giang và huyện Lạng Giang nhằm kích cầu kinh tế du lịch đêm; phát triển loại hình lưu trú mới như glamping song song với các đề án phát triển du lịch cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ mời các vận động viên, nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia các chương trình quảng bá, đồng thời tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong việc tuyên truyền nhằm đạt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách trong năm 2023, đưa Bắc Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực phía Bắc.

Theo hanoimoi.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×