Bắc Giang: Để du lịch văn hóa- tâm linh trở thành điểm sáng
19/08/2024 | 15:21Với lợi thế sở hữu nhiều di tích văn hóa độc đáo như Chùa Vĩnh Nghiêm, khu khởi nghĩa Yên Thế, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, điểm du lịch chiến thắng Xương Giang, khu du lịch Tây Yên Tử… du lịch văn hóa- tâm linh tỉnh Bắc Giang thu hút được khá nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm. Xác định du lịch văn hóa tâm linh là trọng điểm để phát triển du lịch của tỉnh, Bắc Giang đang đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần đưa du lịch văn hóa- tâm linh trở thành điểm sáng ở khu vực Đông Bắc của Thủ đô.
Giàu tiềm năng nhưng còn thiếu cơ sở hạ tầng
Bắc Giang là địa phương có khá nhiều tiềm năng để khai thác du lịch. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 746 di tích xếp hạng các cấp, trong đó có 05 di tích và cụm di tích Quốc gia đặc biệt (với 34 điểm); 95 di tích quốc gia; 617 di tích cấp tỉnh; có 04 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bắc Giang cùng với các địa phương khác có Quan họ, Ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và thực hành nghi lễ Then người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh có gần 800 lễ hội được tổ chức, trong đó có 12 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội cấp xã. Với địa hình phong phú và đa dạng, Bắc Giang còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như Hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Bản Ven, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ.
Ông Đỗ Tuấn Khoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh Bắc Giang xác định du lịch văn hóa- tâm linh là 1 trong 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh cùng với du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa.
Để phát triển du lịch văn hóa- tâm linh, tỉnh đã có điều kiện cần với các di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt trong đó các di tích đều là điểm nhấn độc đáo, độc nhất vô nhị như Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà, Cụm di tích gắn với Khởi Nghĩa Yên Thế, Địa điểm chiến thắng Xương Giang (đền Xương Giang - TP Bắc Giang)… Tuy nhiên, việc phát triển du lịch từ khai thác, phát huy giá trị của các di tích và cụm di tích Quốc gia đặc biệt này còn mới ở bước khởi đầu. Điều kiện đủ là cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ tại các điểm di tích vẫn chưa được đầu tư.
Không có sản phẩm du lịch, không có sản vật địa phương giới thiệu đến du khách, không nơi lưu trú… đó là điều đáng tiếc khi tham quan các điểm di tích quốc gia đặc biệt ở Bắc Giang. Tại các điểm du lịch: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên), Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (đền Xương Giang - TP Bắc Giang) thường chỉ sôi động dịp lễ hội mùa xuân; còn lại là các đoàn khách rải rác trong năm. Đáng tiếc là du khách đến những nơi này cũng chỉ thắp hương, vãn cảnh, chụp ảnh trong chốc lát rồi rời đi.
Hay tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) tuy phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp nhưng những hạng mục phục vụ hoạt động vui chơi giải trí hầu như chưa có. Tại đây, mới có một số hộ dân bán hàng ăn uống và trông xe. Đến đây, khách chỉ tham quan trong ngày rồi về mà không có nơi lưu trú qua đêm để khám phá, trải nghiệm. Tương tự, Điểm du lịch sinh thái bản Ven (Yên Thế) nhiều thời điểm du khách đông khoảng 1 nghìn người/ngày là bị quá tải về lều, bạt, bàn, ghế, nhà sàn cho thuê phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi.
Nhiều chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch
Ông Đỗ Tuấn Khoa cho biết, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 112-NQ/TƯ của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hàng loạt các đề án, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, hiệp hội du lịch xây dựng chương trình, kế hoạch, các đề án, dự án nhằm thực hiện thắng lợi các nội dung Nghị quyết của tỉnh đề ra. Có 5 huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, 10/10 huyện, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện.
"Chúng tôi nhận thức việc thực hiện còn yếu do khó khăn về cơ chế, chính sách. Vì vậy, chúng tôi ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, du lịch, hỗ trợ quy hoạch, định hướng cụ thể. Ví dụ chính sách hỗ trợ về cộng đồng trong phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ quy hoạch phát triển du lịch…Hiện du lịch Bắc Giang còn thiếu cơ sở hạ tầng: khách sạn, nhà hàng… Đặc biệt hiện nay chúng tôi xác định đầu tư vào lưu trú, tạo điều kiện cho du khách ở lại, từ đó mới có tiêu dùng, dịch vụ"- ông Đỗ Tuấn Khoa cho biết.
Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch và các dự án hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 đã và đang được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm (Dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu; Dự án Xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An - Quốc lộ 31 - Quốc lộ 1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa - Khuôn Thần; Dự án Nút giao liên thông tại thị trấn Vôi với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 293 đến Quốc lộ 17...).
Ngoài nguồn NSNN phân bổ, nguồn vốn của các nhà đầu tư cho các dự án và nguồn kinh phí xã hội hóa rất lớn để đầu tư các dự án liên quan đến phát triển du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch; 445 cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch (trong đó: 12 khách sạn 1 sao, 08 khách sạn 2 sao, 10 khách sạn, cơ sở lưu trú đạt 3 sao, 01 khách sạn 4 sao và các nhà nghỉ, cơ sở lưu trú).
Các khu di tích có giá trị trong phát triển du lịch của tỉnh đang được quy hoạch, đầu tư bằng nhiều nguồn lực khác nhau (Quy hoạch chùa Bổ Đà; đầu tư tu bổ di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế....)- ông Đỗ Tuấn Khoa nói.
Cũng theo ông Đỗ Tuấn Khoa, tỉnh Bắc Giang cũng bước đầu xây dựng hình thành sản phẩm du lịch "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử" là điểm nhấn cốt lõi của du lịch Bắc Giang. Các tour, tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh đã bắt đầu hình thành. Trong định hướng của tỉnh, để hình thành khu du lịch quốc gia có nhiều giai đoạn, hiện mới xong giai đoạn 1, bước sang giai đoạn 2 về cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, thương hiệu du lịch Bắc Giang về miền đất thiêng Tây Yên Tử, lễ hội Xuân Tây Yên Tử gắn với Tuần văn hóa du lịch Bắc Giang đã định hình thương hiệu trong thời gian qua. Trong tương lai, khi giao thông kết nối từ Tây Yên Tử sang Đông Triều (Quảng Ninh), thì khoảng cách không gian, thời gian sẽ gần hơn, tạo tiềm năng vô cùng lớn nhằm phát triển du lịch phật giáo thời Trần tại hai tỉnh- ông Khoa chia sẻ.
Qua hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, cùng với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, cùng toàn thể nhân dân, nhận thức về du lịch tiếp tục có chuyển biến; nhiều các dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch đã hoàn thành; các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức thành công đã thu hút được đông đảo khách du lịch tới Bắc Giang. Năm 2021, dù ảnh hưởng đại dịch, nhưng số lượng khách du lịch vẫn đạt 400.000 lượt người; năm 2023, có khoảng 2.050.000 lượt khách du lịch; 6 tháng đầu năm 2024, có khoảng 1.800.000 lượt khách du lịch. Tổng số khách du lịch từ năm 2021 đến nay, ước đạt 5.600.000 lượt (đạt 187% so với mục tiêu nghị quyết, kế hoạch đề ra).
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng KDL tâm linh sinh thái Tây Yên Tử; hình thành sản phẩm du lịch "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử". Phối hợp triển khai xây dựng, hình thành khu phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm tại thành phố Bắc Giang và Việt Yên. Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu du lịch và các tiềm năng đầu tư du lịch trên địa bàn, khuyến khích các địa phương phát triển các sản phẩm, xây dựng các điểm du lịch có tiềm năng, thế mạnh, quan tâm tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 3000 tỉ động, tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động trong lĩnh vực du lịch.
Với sự quan tâm tháo gỡ chính sách, thu hút đầu tư đồng bộ trong thời gian qua, kỳ vọng, du lịch Bắc Giang, đặc biệt là du lịch văn hóa- tâm linh sẽ ngày càng thu hút đông đảo du khách, tạo thương hiệu xứng tầm với tiềm năng sẵn có ở địa phương./.