Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng xử văn minh trong du lịch
03/04/2024 | 07:26Một nụ cười thân thiện, cảm giác vui vẻ được chào đón hay ấn tượng về sự an toàn… là những kỹ năng mềm góp phần thăng hạng điểm đến, ứng xử văn minh trong du lịch.
Chú trọng an toàn thực phẩm
Năm 2024, Sở Du lịch dự kiến mở 18 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và “kỹ năng mềm” cho lao động tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Vừa qua, lớp bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) khai mạc. Đây là lớp bồi dưỡng kỹ năng mềm cho lao động ngành du lịch đầu tiên của năm 2024.
Lớp học thu hút gần 400 học viên là lãnh đạo, đầu bếp, quản lý bộ phận ẩm thực, nhân viên phục vụ nhà hàng… từ hơn 100 DN kinh doanh khách sạn, resort trên toàn tỉnh tham gia.
Trong thời gian 1 ngày, ThS Nguyễn Thị Bốn, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đã truyền tải đến học viên những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSTP; hướng dẫn 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn; các biện pháp phòng tránh, xử lý ngộ độc thực phẩm; tư vấn sử dụng thực phẩm theo mùa, bệnh lý, thực phẩm thực dưỡng tốt cho sức khỏe của khách du lịch.
Khối lượng kiến thức được truyền tải nhiều và cần thiết, giúp nâng cao ý thức phòng ngừa cảnh giác nguy cơ vi khuẩn xâm nhập thực phẩm trong điều kiện thời tiết ngày càng nắng nóng, các mối liên quan đến ngộ độc thực phẩm và cách phòng tránh.
Bà Đỗ Thị Ngọc Hồng, Giám đốc khách sạn P&T Vũng Tàu cho biết, lớp học giúp bà ôn lại những kiến thức cũ và cập nhật thêm các quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực ATVSTP. Từ đó, bà có thể nhận biết hải sản chưa qua đông lạnh, chưa ướp hóa chất. Cùng với đó, bà cũng nắm rõ hơn về khâu chế biến được thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt, chia thành 2 khu riêng biệt, bếp lạnh (rau, củ, quả) và bếp nóng (thịt, cá, hải sản).
“Tôi sẽ quán triệt toàn bộ nhân viên bếp phải mang đầy đủ găng tay, khẩu trang, mũ trùm đầu, bảo đảm thực hiện việc lấy mẫu, lưu mẫu đồ ăn theo đúng quy định và nấu những món ăn ngon nhất phục vụ thực khách”, bà Hồng nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Du lịch, Sở Du lịch chia sẻ: “Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị bước vào mùa cao điểm với các kỳ nghỉ lễ dài ngày và mùa hè. Ăn uống là nhu cầu tất yếu trong chuyến du lịch. Do vậy, những lớp học đảm bảo ATVSTP rất cần thiết, là cách quảng bá nhanh nhất ẩm thực địa phương, góp phần xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và đáng đến”.
Hoàn thiện kỹ năng nghề du lịch
Theo thống kê của Sở Du lịch, trước dịch COVID-19, toàn tỉnh có 21 ngàn lao động làm việc trong ngành du lịch. Trong đó, 67% lao động được đào tạo nghề du lịch từ sơ cấp đến cao đẳng. Chất lượng lao động được nâng lên. Văn hóa giao tiếp, thái độ niềm nở, nhiệt tình trong đón tiếp và phục vụ khách được ôn luyện thường xuyên với các khóa ngắn ngày về ứng xử văn minh trong du lịch.
Thế nhưng trải qua 2 năm dịch COVID-19 bùng phát (2020 - 2021), du lịch đóng băng, từ đó có sự dịch chuyển lớn trong cơ cấu nhân lực từ du lịch sang các ngành kinh tế khác.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, du lịch ngày càng hồi phục mạnh mẽ kéo theo số lao động mới ra trường và từ ngành nghề khác chuyển vào du lịch nhiều. Ngoài tay nghề, bằng cấp, người lao động ngành du lịch cần được trang bị thêm kỹ năng về cung cách phục vụ, giao tiếp với khách hàng, nhất là trong các tình huống bất ngờ, cần xử lý nhanh chóng, chuyên nghiệp.
Để phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch, công tác đào tạo nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng và hơn lúc nào hết cần có sự liên kết chặt chẽ của các cấp, ngành, cơ sở đào tạo, DN du lịch và cộng đồng.
Đặc biệt, hoàn thiện kỹ năng nghề du lịch và các kỹ năng mềm không chỉ giúp DN ổn định và phát triển mà còn là cách để người lao động sống được với chính nghề nghiệp của mình.
Năm 2024, Sở Du lịch dự kiến mở một số lớp đào tạo kỹ năng mềm như: kỹ năng tổ chức các hoạt động, lễ hội về du lịch; bồi dưỡng trực cứu hộ bãi biển; nghiệp vụ du lịch cộng đồng; giao tiếp và ứng xử văn minh.
Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm, du lịch là một trong 4 trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Do vậy, việc đào tạo sẽ được thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với cơ cấu ngành nghề và số lượng nhân lực theo nhu cầu xã hội. Từ đó, cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ theo đúng yêu cầu của DN và địa phương. Đồng thời, tạo ra nguồn nhân lực du lịch linh hoạt, mềm dẻo đáp ứng nhu cầu của DN, qua đó, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch trong tương lai.