Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

ASEAN đồng bộ hóa thương hiệu trên các kênh quảng bá chung

09/07/2021 | 18:51

Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016- 2025 xác định tầm nhìn “đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo

ASEAN đồng bộ hóa thương hiệu trên các kênh quảng bá chung - Ảnh 1.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 54

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung xem xét báo cáo của 4 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN, Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN, Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN và Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN. Hội nghị cũng cập nhật kết quả mới nhất việc triển khai Chiến lược Du lịch ASEAN 2016- 2025.

Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021- 2025 đã được xây dựng với ba trụ cột chính: Xây dựng câu chuyện về Thương hiệu du lịch Đông Nam Á hấp dẫn hơn, trong đó xác định mục tiêu của thương hiệu, đồng bộ hóa thương hiệu trên các kênh quảng bá chung, xây dựng các video quảng bá…; tập trung vào các thị trường và đối tượng phù hợp; thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động xúc tiến quảng bá, trong đó đẩy mạnh quảng bá qua mạng xã hội.

Chiến lược marketing giai đoạn mới được điều chỉnh dựa trên các xu hướng dự báo sau Covid-19 và căn cứ vào khả năng tài chính của ASEAN. Chiến lược đã được thảo luận qua các cấp Nhóm Công tác, Ủy ban Cạnh tranh Du lịch và Cơ quan Du lịch quốc gia.

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao sự hợp tác của Trung tâm ASEAN- Trung Quốc (ACC), Trung tâm ASEAN- Nhật Bản (AJC) và Trung tâm ASEAN- Hàn Quốc (AKC), từ đó hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN trong các chính sách phục hồi du lịch.

Phó Tổng cục trưởng cho biết các nước ASEAN đã nhận được sự hỗ trợ thông qua các sự kiện trực tuyến, bao gồm các hội thảo và khóa đào tạo về du lịch, cũng như hỗ trợ xúc tiến du lịch ASEAN thông qua các nền tảng trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin tới khách du lịch và các đối tác tư nhân ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong thời gian tới, các quốc gia thành viên ASEAN và các trung tâm ASEAN sẽ tiếp tục có những hoạt động hợp tác hiệu quả, đặc biệt là vào thời điểm quan trọng hiện nay, khi các nước ASEAN đang chuẩn bị cho sự phục hồi của du lịch quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận và thông qua Biên bản Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 54.

ASEAN đồng bộ hóa thương hiệu trên các kênh quảng bá chung - Ảnh 2.

Du lịch là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN

Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016- 2025 xác định tầm nhìn “đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của người dân trong toàn khu vực”. Để hiện thực hóa tầm nhìn, Chiến lược đã đề ra 2 định hướng lớn, bao gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch ASEAN với tư cách là điểm đến chung và đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện, cùng định hướng thúc đẩy phát triển lao động nghề du lịch.

Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019 khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 170,9 tỉ USD, tăng 8,5% so với năm 2017. Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc Á. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến ASEAN giảm mạnh.

THÙY LINH, Báo Văn Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×