Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

An Giang bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê

10/02/2022 | 15:56

Sáng 10/2, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 23/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê và Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10).

An Giang bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê - Ảnh 1.

Đại điện Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo và UBND huyện Thoại Sơn ký kết về bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê.

Tham dự lễ công bố có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, cơ quan ngoại giao; lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh An Giang và đông đảo nhân dân thị trấn Óc Eo.

Quyết định số 115/QĐ-TTg xác định, Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích quy hoạch là 433,2ha, gồm khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) có diện tích 143,9ha và khu vực cánh đồng Óc Eo (khu B) có diện tích 289,3ha.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo vệ các điểm di tích, di vật đã phát lộ của Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê; nghiên cứu, khảo sát, mở rộng phạm vi khảo cổ để hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ và bổ sung, làm rõ các giá trị liên quan đến di tích, nhất là trong mối liên hệ với các di tích, di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa, văn minh Óc Eo.

Đồng thời, quy hoạch được thực hiện nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học, để nhận diện đầy đủ, làm sáng tỏ giá trị của nền văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang.

Qua đó, kết nối các điểm đến quan trọng của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử - văn hóa, sinh thái sông nước, đồng quê, nông nghiệp và du lịch chuyên đề khảo cổ học văn hóa Óc Eo; giúp địa phương có định hướng quy hoạch, lộ trình, các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích Óc Eo - Ba Thê phù hợp với Quy hoạch được phê duyệt và các đồ án quy hoạch khác có liên quan.

An Giang bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê - Ảnh 2.

Nhẫn Nandin Giồng Cát (niên đại thế kỷ V Trước Công Nguyên) - bảo vật quốc gia hiện đang hiện được trưng bày, lưu giữ tại Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, Quyết định số 115/QĐ-TTg đã đề cập đến các vấn đề quy hoạch phân khu chức năng; định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ di tích; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật… qua đó, đã góp phần làm rõ diện mạo Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê; là cơ sở khoa học để tỉnh An Giang xây dựng các phương án và nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện Thoại Sơn và nhân dân trong tỉnh tiếp tục kế thừa những thành tựu đã đạt được, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, chia sẻ và cống hiến để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.

Ông Trần Anh Thư kêu gọi, các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa Óc Eo của tỉnh. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực đầu tư từ xã hội sẽ là động lực quan trọng, quyết định cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo.

Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu ở vùng đất Nam Bộ - Việt Nam những năm đầu Công nguyên. Nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã phát hiện và định danh nền văn hóa Óc Eo vào năm 1944. Đến nay, toàn tỉnh An Giang có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó Di tích Óc Eo - Ba Thê được xác định có vị trí quan trọng, nơi đây từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam xưa.

Chính vì những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, Di tích Óc Eo - Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Đặc biệt, di tích này được các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận định có đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành Di sản văn hóa Thế giới của UNESCO. Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi báo cáo tóm tắt Hồ sơ Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.

Trải qua gần 80 năm kể từ ngày nền Văn hóa Óc Eo được phát hiện và định danh, với sự nỗ lực của Chính phủ, tỉnh An Giang, huyện Thoại Sơn, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn khoa học Trung ương và các địa phương, kết quả khai quật khảo cổ di tích Óc Eo - Ba Thê của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị, trong đó tỉnh An Giang đã chọn lựa, đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 bảo vật quốc gia.

Tại buổi lễ, Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (niên đại thế kỷ thứ III-IV trước Công Nguyên) và nhẫn Nandin Giồng Cát 9 (niên đại thế kỷ V Trước Công Nguyên) là hai bảo vật quốc gia. Cả hai bảo vật này hiện được lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang.

An Giang bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê - Ảnh 3.

Mặt trên của Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc, niên đại thế kỷ thứ III-IV trước Công Nguyên - bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang.

Dịp này, tỉnh An Giang đã giới thiệu 2 quyển sách: "Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong" của tác giả Louis Malleret và "Na Phật Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam" do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ biên. Đây là những tài liệu quý giá, tạo tiền đề cho nhiều nghiên cứu về sau.

UBND tỉnh An Giang tặng Bằng khen cho các gia đình có đất nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê đã sớm cho Nhà nước khai quật khảo cổ và các cá nhân hiến tặng hiện vật văn hóa Óc Eo.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×