Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ai Cập: Loạt phát hiện khảo cổ "khủng" năm 2020 chưa kịp để thúc đẩy du lịch

03/11/2020 | 14:59

Năm 2020 được đánh giá là một năm đặc biệt cho ngành khảo cổ học Ai Cập với nhiều phát hiện quan trọng, tuy nhiên, COVID-19 khiến lợi thế này không thể trở thành một cơ hội cho du lịch.

Nằm ở phía nam thủ đô Cairo, khu nghĩa trang cổ đại Saqqara đã trở thành một công cụ quan trọng để Ai Cập đối phó với tình trạng khách du lịch sụt giảm.

Theo CNN, năm 2020 là một năm đặc biệt cho Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận này khi các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một loạt các quan tài đá và nhiều cổ vật khác có giá trị tại đây.

Trước đó hồi tháng Ba, Kim tự tháp bậc thang Djoser 4.700 năm tuổi đã được mở cửa lại sau dự án bảo tồn trị giá 6,6 triệu USD kéo dài tới 14 năm.

Vào đầu tháng Mười, 59 chiếc quan tài đá (có niên đại khoảng 2.500 tuổi) đã được khai quật tại Saqqara. Những quan tài đều trong tình trạng rất tốt khi vẫn giữ được màu sắc và họa tiết nguyên gốc. Phát hiện được kỳ vọng sẽ là một cơ hội lớn thu hút khách du lịch tới Ai Cập. Trong một cuộc họp báo được tổ chức hoành tráng, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã mời rất nhiều các đại sứ nước ngoài và đề nghị họ chia sẻ những hình ảnh cũng như thông tin chi tiết về các cổ vật lên các mạng xã hội.

Ai Cập: Loạt phát hiện khảo cổ "khủng" năm 2020 chưa kịp để thúc đẩy du lịch - Ảnh 1.

Ai Cập: Loạt phát hiện khảo cổ "khủng" năm 2020 chưa kịp để thúc đẩy du lịch - Ảnh 2.

Ai Cập: Loạt phát hiện khảo cổ "khủng" năm 2020 chưa kịp để thúc đẩy du lịch - Ảnh 3.

Ai Cập: Loạt phát hiện khảo cổ "khủng" năm 2020 chưa kịp để thúc đẩy du lịch - Ảnh 4.

Một số hình ảnh về các quan tài đá mới được tìm thấy tại Saqqara (ảnh: CNN)

Ngành công nghiệp du lịch Ai Cập đang bùng nổ trong những năm gần đây. "Thời điểm đầu năm 2020, chúng tôi hy vọng xu thế này sẽ tiếp diễn trong cả năm", Kevin Graham, một quản lý tại công ty nghiên cứu – cố vấn Oxford Business Group nói với CNN.

Và sau đó đại dịch COVID-19 đột ngột xuất hiện. Các chuyến bay quốc tế bị đóng cửa từ tháng Ba cùng với các khu khảo cổ và bảo tàng. Đường bay thương mại chỉ bắt đầu được nối lại từ tháng Bảy.

Ai Cập có hơn 107.000 ca dương tính và ít nhất 6.200 người tử vong vì COVID-19. Mặc dù dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn (tuần qua, toàn đất nước có hơn 100 ca nhiễm mới), tuy nhiên ngành du lịch đã bắt đầu những nỗ lực để hồi phục. Hồi tháng Bảy, một số điểm du lịch được mở cửa lại bao gồm cả Kim tự tháp Giza. Chính phủ cũng công bố một danh sách những khách sạn được phép hoạt động vì đáp ứng những yêu cầu an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sang tháng Chín, ngày càng có nhiều khu khảo cổ tái mở cửa.

Ai Cập: Loạt phát hiện khảo cổ "khủng" năm 2020 chưa kịp để thúc đẩy du lịch - Ảnh 5.

Hồi tháng Ba, du khách tham quan Kim tự tháp Djoser mới được mở cửa lại sau thời gian sửa chữa và bảo tồn (ảnh: CNN)

Một loạt các biện pháp hỗ trợ ngành du lịch đã được chính quyền triển khai như mở rộng miễn visa cho các du khách tới các điểm du lịch nổi tiếng như Luxor, Aswan, Biển Đỏ và Nam Sinal cho tới tháng 4/2021. Các công ty có liên quan tới du lịch được giãn hoặc giảm nợ…

Du khách tới Ai Cập phải xuất trình giấy xác nhận âm tính (thông qua xét nghiệm PCR) với virus và được thực hiện trong vòng 72 tiếng trước khi máy bay cất cánh. Một số sân bay bên bờ biển cho phép du khách làm xét nghiệm PCR (giá 30 USD) ngay tại sân bay và phải chịu cách li cho tới khi nhận được kết quả.

Quản lý trưởng Amr Karim của Travco Travel – một trong những công ty điều hành du lịch lớn nhất Ai Cập cho hay, sau khi "tụt dốc kinh hoàng", trong ba tháng gần đây, ngày càng có nhiều khách từ khắp châu Âu đến nghỉ tại các bờ biển của Ai Cập.

Travco đang thực hiện các quy định của WHO bao gồm sát khuẩn phòng khách sạn, không gian và phương tiện công cộng, nhân viên đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… Trong khi số khách cao tuổi giảm thì những khách dưới 50 tuổi lại tăng và phần lớn họ đều ở nguyên trong các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của mình.

Ông Karim kỳ vọng, du lịch tới các điểm khảo cổ sẽ "bùng nổ" từ quý ba năm 2021.

"Trong những năm gầy đây, Bộ Du lịch và Cổ vật đã triển khai nhiều nỗ lực để mở rộng và quảng bá cho các báu vật khảo cổ của Ai Cập", ông Karris chia sẻ. Trong số các khu khảo cổ và sự kiện mới tổ chức có cả cuộc diễu hành đưa 22 xác ướp hoàng gia từ Bảo tàng Ai Cập về "nhà mới" là Bảo tàng Quốc gia Văn minh Ai Cập; và dự án xây dựng Bảo tàng Ai Cập Vĩ đại (GEM) đang sắp hoàn thiện.

Có diện tích gần nửa triệu mét vuông với chi phí xây dựng lên tới 1 tỷ USD, bảo tàng GEM nằm gần Kim tự tháp Giza và dự kiến sẽ được mở cửa vào năm 2021. Một số hiện vật trưng bày được mong đợi bao gồm bức tượng Pharaon Ramesses Đại đế làm bằng đá granite nặng 83 tấn và cao 20m cùng hơn 5.000 cổ vật lấy từ mộ phòng của Vua Tutankhamun… Đáng lưu ý, đây sẽ là lần đầu tiên những báu vật này xuất hiện cùng một chỗ với nhau.

Ai Cập: Loạt phát hiện khảo cổ "khủng" năm 2020 chưa kịp để thúc đẩy du lịch - Ảnh 6.

Tượng Rameses II trong Bảo tàng Bảo tàng Ai Cập Vĩ đại (GEM) (ảnh: CNN)

"GEM một dự án văn hóa quan trọng bậc nhất thế giới", cựu Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass nói với CNN. Ngoài ra, 59 quan tài đá từ Saqqara cũng sẽ được chuyển tới GEM và đặt đối diện với một bộ sưu tập lớn khác gồm các quan tài bằng gỗ được phát lộ tại Luxor hồi năm 2019.

Tuy nhiên, nếu đại dịch vẫn tiếp diễn, không có gì đảm bảo số lượng khách du lịch chứng kiến giây phút lịch sử khánh thành GEM sẽ đạt được tỷ lệ mà chính quyền và ngành du lịch Ai Cập từng kỳ vọng. Hồi tháng Tám, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, phải tới nửa sau năm 2022, du lịch Ai Cập mới có thể quay trở lại mức như trước dịch bệnh.

Minh Đức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×