Ả Rập Xê Út cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch tiêm vắcxin Sputnik
06/12/2021 | 15:46Ả Rập Xê Út mới đây đã chấp thuận cho những người được tiêm vắcxin Sputnik của Nga nhập cảnh vào nước này. Động thái mới sẽ giúp nhiều người Hồi giáo có thể đến đến quốc gia Trung Đông để tham gia các cuộc hành hương tôn giáo.
Theo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tài trợ cho sự phát triển của vắcxin Sputnik V: "Vương quốc Ả Rập Xê Út đã chấp thuận, cho phép các cá nhân tiêm vắcxin Sputink V của Nga được nhập cảnh từ ngày 1.1.2022. Như vậy, người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới tiêm vắcxin này sẽ có thể tham gia vào cuộc hành hương Hajj, Umra tại những địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo ở các thành phố Mecca và Medina".
Ngoài quy định về tiêm vắcxin, khách du lịch nước ngoài được chủng ngừa bằng Sputnik khi vào Ả Rập Xê sẽ phải cách ly y tế trong 48 giờ và làm xét nghiệm PCR.
RDIF cũng thông tin ngoài Ả Rập Xê Út, hơn 100 quốc gia khác đã chấp nhận đón du khách tiêm vắcxin Sputnik. Tuy nhiên, vẫn còn những quốc gia chưa đồng ý cấp phép cho loại vắcxin do Nga phát triển, trong đó có Mỹ.
Hajj là một trong những cuộc tụ họp tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Sự kiện này diễn ra trong 2 tháng 10 ngày sau khi tháng Ramadan kết thúc. Cuộc hành hương được biết đến với nhiều nghi thức đặc biệt như mặc bộ đồ đặc biệt tượng trưng cho sự bình đẳng, đoàn kết của con người trước Thiên Chúa; tham gia lễ rước vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ xung quanh Kaaba (tòa nhà hình hộp chữ nhật nằm trong trung tâm sân thánh đường Hồi giáo Mecca); nghi lễ ném đá xua đuổi ác quỷ.
Vốn là cuộc hành hương lớn nhất trong thế giới Hồi giáo nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà chức trách Ả Rập Xê Út đã buộc phải thu hẹp đáng kể quy mô của lễ Hajj. Trong năm nay, chỉ có khoảng 60.000 công dân và cư dân của đất nước đã tiêm phòng đầy đủ được tham gia nghi lễ. Con số này nhỏ hơn với việc khoảng 2 triệu người từng dồn kín các ngả đường tới Mecca.
Đối với vắcxin Sputnik V, vắcxin đã được tuyên bố là an toàn, hiệu quả lên đến hơn 90% trong một bài viết được xuất bản bởi tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet. Tuy nhiên cho đến nay, Sputnik vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới hoặc các cơ quan y tế của Liên minh Châu Âu và Mỹ chấp thuận hay đưa vào sử dụng.