20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: “Làn gió mới” trong đời sống văn hóa - xã hội
14/10/2020 | 13:48Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Đây là điều đã được Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh và do đó, 2 thập kỷ thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), có thể xem là một bước khẳng định vị thế, vai trò của văn hóa. Đồng thời, thổi một “làn gió mới” vào đời sống văn hóa – xã hội, cũng như góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Từ những con số...
Bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào TDĐKXDĐSVH đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào bao gồm 5 nội dung là đoàn kết giúp nhau “Xóa đói, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Song song với đó là 7 phong trào, gồm xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến.
Trải qua 20 năm, phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Theo đó, tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh từng bước được khơi dậy; truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường... ngày càng được phát huy; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hướng về cơ sở được tổ chức, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Đồng thời, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng ngày càng phát huy hiệu quả, để trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa của người dân.
Đặc biệt, quá trình triển khai phong trào, nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp, trên cơ sở gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống xứ Thanh, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Cũng từ phong trào này, hàng nghìn gương điển hình tiên tiến, tập thể kiểu mẫu trên tất cả các lĩnh vực, đã được nhân dậy và tạo được sức ảnh hưởng tích cực và sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ... Từ đó, tạo động lực để khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, làng, bản. Đồng thời, tạo ra nền tảng tinh thần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Trong rất nhiều nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH, thì phong trào xây dựng gia đình văn hóa và làng, bản, tổ dân phố văn hóa là những nội dung trọng tâm nhất. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Thanh Hóa – tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 776.759/957.825 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 81%). Con số này đã phản ánh sức lan tỏa rộng khắp của phong trào đến mọi người, mọi nhà. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và từng hộ gia đình trong xây dựng “Gia đình văn hóa”. Đồng thời, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế - xã hội. Có thể nói, các gia đình văn hóa tiêu biểu là những hạt nhân trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước các tác động của mặt trái cơ chế thị trường.
Với vai trò hạt nhân của mình, việc thực hiệu hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cũng chính là cơ sở để triển khai các phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Từ mô hình làng văn hóa Đông Cao (xã Trung Chính, Nông Cống), phong trào xây dựng làng văn hóa đã nhanh chóng phát triển, nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 3.133/4.357 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa (đạt tỷ lệ 71,9%). Năm 2020, có 3.704/4.357 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xét công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa (đạt tỷ lệ 85%). Cùng với đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, toàn tỉnh có 29/78 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt tỷ lệ 37,2%). Cũng tính đến tháng 8-2020, toàn tỉnh có 2.228/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp huyện (đạt tỷ lệ 50,5%); 754/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh (đạt tỷ lệ 17,1%).
Cũng theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 42,6% dân số tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; 29,8% hộ gia đình thể thao; 3.370 câu lạc bộ thể dục, thể thao; 555 sân bóng đá (60m x 90m), 149 nhà tập luyện, 213 bể bơi, 4.289 sân bóng chuyền, 4.644 sân cầu lông, 2.381 bàn bóng bàn, 132 sân quần vợt, 125 sân bóng rổ, 4.046 sân chơi, bãi tập... Các thiết chế văn hóa - thể thao đã và đang thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập, thi đấu. Qua đó, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và sức khỏe cho Nhân dân. Ngoài ra, phong trào xây dựng người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH. Đây là phong trào đậm tính nhân văn và tính xã hội sâu sắc. Bởi lẽ thông qua các hoạt động thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo... tại các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đều xuất hiện những tấm gương tiêu biểu “Người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến có khả năng nêu gương, làm gương đầy thuyết phục và hiệu quả. Theo đó, qua đánh giá, xét duyệt hàng năm có trên 2.000 tập thể, cá nhân được cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng...
... đến những băn khoăn
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, khuyến khích mọi người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; đề cao vai trò chủ động, sáng tạo của cộng đồng dân cư. Đồng thời, lồng ghép thực hiện các phong trào, các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội thực hiện phát triển văn hóa nông thôn, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền. Đây là bài học kinh nghiệm, được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH suốt 2 thập kỷ ở tỉnh ta. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải ở đâu và lúc nào, điều này cũng được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả. Bởi lẽ, vai trò, vị thế của văn hóa đối với sự phát triển, có đôi khi vẫn chưa được đánh giá và nhìn nhận một cách thỏa đáng.
Chính vì lẽ đó nên vẫn còn có những địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Do vậy, phong trào vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu và chưa tạo ra sự chuyển biến thực sự trong đời sống văn hóa – tinh thần, kinh tế - xã hội và nhất là trong tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong khi, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống ở một phương diện và mức độ nào đó, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần và môi trường văn hóa. Thực tế, có không ít các hiện tượng, hành vi coi thường luật pháp, mất an toàn xã hội, bạo hành gia đình, lối ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng... Đặc biệt là các hành vi xâm hại trẻ em, do môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức, hay chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội. Tất cả đang diễn ra hàng ngày, thậm chí trở thành u nhọt gây nhức nhối trong đời sống xã hội.
Quá trình xây dựng đời sống văn hóa và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc hiện có không ít vấn đề đáng suy ngẫm. Chẳng hạn như việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đang đứng trước không ít thách thức. Trong đó, nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang bị “mới hóa”; việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển vẫn còn lúng túng... Trong khi đó, chất lượng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự bền vững. Bình xét ra những con số đẹp để chạy theo hình thức và thành tích, chứ chưa đi vào chiều sâu. Có những nơi sau khi đạt được danh hiệu văn hóa, thì chưa có biện pháp hiệu quả để duy trì, nâng cao chất lượng. Rồi thì giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ tại các làng, bản, tổ dân phố chưa được phát huy và duy trì thường xuyên. Rồi thì vấn nạn ô nhiễm môi trường làng nghề, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... vẫn đang là những nan đề chưa có lời giải thỏa đáng.
Thành quả từ 2 thập kỷ thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH và tác động của nó đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa - tinh thần, là không thể phủ nhận. Đồng thời với việc phát huy các thành tựu, thiết nghĩ, cũng cần quan tâm thỏa đáng đến những mặt còn hạn chế. Có như vậy, “làn gió mới” thì phong trào mới có khả năng thanh lọc để giữ lại những giá trị chân chính và loại bỏ đi những biểu hiện xấu xí, thậm chí là phản văn hóa.