Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xử lý vi phạm về Quyền tác giả, quyền liên quan: Cần nhiều biện pháp đồng bộ

21/06/2018 | 11:33

Sáng 21/6, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ về quyền tác giả (QTG), quyền liên quan (QLQ) tại khu vực miền Trung.


Ông Phạm Cao Thái – Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL và ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL đồng chủ trì hội nghị tập huấn. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên trách tại các sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh miền Trung.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn. Ảnh: Lê Chung

Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đăng ký Bản quyền tác giả

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết mốt số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả và quyền liên quan chính thức có hiệu lực từ ngày 10/4/2018 gồm 6 chương, 51 điều. 

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, điểm mới của Nghị định 22/2018/NĐ-CP là việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến đăng ký Bản quyền tác giả. Cụ thể như giảm thời gian trả kết quả trong trường hợp cấp lại, cấp đổi và giảm bớt các thủ tục về hồ sơ…

Với Nghị định 22/2018/NĐ-CP, Chính phủ bỏ quy định Sở VH-TT hoặc Sở VH-TT&DL là đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan mà nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả, Văn phòng đại diện của Cục tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng, hoặc qua đường bưu điện, qua đó, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã dành riêng chương V cho tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời bổ sung quy định về biểu mức tiền nhận bút, thù lao, quyền lợi vật chất (điều 43); Sửa đổi, bổ sung quy định về thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất (điều 44); Bổ sung quy định về khai tác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình (điều 45)… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn thi hành đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Nhìn chung, Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã rà soát, cập nhật, sửa đổi lại các điều khoản để phù hợp với quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ và UBDN cấp tỉnh; đồng thời bổ sung, sửa đổi, làm rõ một số quy định đã được ban hành trước đây, từ đó giúp việc thi hành Luật Sở hữu trí tuệ được thuận lợi hơn. 

Chương trình phần mềm máy tính thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả. Nguồn ảnh: tuoitre.vn

Tuyên truyền phổ biến pháp luật về QTG, QLQ có vai trò quan trọng

Ông Phạm Cao Thái – Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết Quyền tác giả, quyền liên quan là bộ phận cấu thành của sở hữu trí tuệ. Với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan do cơ quan có thẩm quyền xử phạt chủ động phát hiện hoặc thông qua đơn tố cáo hoặc chủ sở hữu hoặc tác giả thực hiện một trong các quyền tự bảo vệ là yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000 đồng.

Với vị thế là một trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước, nơi hội tụ đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, vì thế vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tại Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng. Tham luận của Sở VHTT Thừa Thiên Huế tại hội nghị cho biết hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như thư viện, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm, xuất bản, tuyên truyền, quảng cáo… đều đã có ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm. Các tổ chức và cá nhân sáng tạo đã áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ quyền của mình. Từ năm 2016 đến nay, Thanh tra  Sở VHTT đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động văn hóa, đã tịch thu 7.610 đĩa VCD, DVD không có tem nhãn phát hành, nhắc nhở, cảnh cáo và phạt tiền 41 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 31.000.000 đồng.Thanh tra Sở đã kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả với tổng số tiền phạt là 86.000.000 đồng.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Thừa Thiên Huế nói riêng, và nhiều địa phương trên cả nước nói chung như: kết quả thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức và cá nhân còn hạn chế; sự hiểu biết của người dân về các quy định về QTG, QLQ còn yếu. Thậm chí, chính các tác giả sáng tạo ra tác phẩm cũng chưa chủ động thực hiện việc đăng ký bản quyền, bảo vệ quyền và tài sản của chính mình.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ban ngành địa phương, các Hội văn học nghệ thuật và Trung tâm đại diện quyền tác giả, quyền liên quan trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ về QTG, QLQ còn chồng chéo. Mặt khác, đội ngũ quản lý thực thi QTG, QLQ ở địa phương là kiêm nhiệm nên khả năng tập trung thực hiện quản lý pháp luật trong lĩnh vực còn nhiều hạn chế.

Thực trạng vi phạm và tình hình xử lý vi phạm về QTG, QLQ cho thấy trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác bảo vệ bản quyền cần nhiều biện pháp đồng bộ. Bên cạnh việc chính các chủ sở hữu tăng cường bảo vệ tài sản của mình, các cơ quan quản lý cần tiến hành xử lý nghiêm khắc hơn nữa các hành vi vi phạm bản quyền và thực hiện truyền thông rộng rãi trong xã hội, đặc biệt là trong môi trường giáo dục, kết hợp phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để đạt được hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ QTG, QLQ./.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×