Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng văn hóa con người Hà Giang hội nhập, đổi mới

12/01/2024 | 08:45

Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVII về văn hóa. Nền văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, chính sự đa dạng, phong phú về văn hóa của các dân tộc bản địa đã tạo nên sự độc đáo cho Hà Giang.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Giang là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 19 dân tộc cùng chung sống, với lịch sử văn hóa lâu đời, đặc biệt có những dân tộc rất ít người như Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Phù Lá… Chính vì vậy, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng văn hóa con người Hà Giang thời kỳ đổi mới, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc. Bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU về thực hiện hóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Xây dựng văn hóa con người Hà Giang hội nhập, đổi mới - Ảnh 1.

Điệu nhảy trong lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ).

Triển khai nhiệm vụ trên, các địa phương đã quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tuyên truyền, vận động đưa được trên 9.000 chuồng trại ra xa nhà; cải tạo, làm mới 11.500 nhà vệ sinh, 7.000 nhà tắm; vận động được 420 cặp đôi trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tự nguyện hoãn hôn (chưa đủ tuổi kết hôn); vận động 4.500 gia đình là người dân tộc Mông đưa người chết vào áo quan khi làm tang ma và thời gian tổ chức không quá 48 giờ, đây là hủ tục mà trước đây người dân tộc Mông rất khó thay đổi; vận động được trên 2.000 đám tang không giết mổ nhiều trâu, bò. Huyện Quản Bạ đã có 13/14 dòng họ dân tộc Mông ký cam kết thực hiện đưa người chết vào áo quan khi làm tang ma; thành phố Hà Giang hiện nay nói không với vòng hoa, bức trướng trong đám tang... Bên cạnh đó, những năm gần đây, các địa phương đã làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền đồng bào các dân tộc “nói không” với các tôn giáo không chính thống, đạo lạ. Đã vận động được 199 hộ đang theo đạo lạ quay lại với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc.

Các phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy vai trò chủ thể của người dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cải tạo vườn tạp”, “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” thực sự lan tỏa vào đời sống. Tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo cho 6.700 hộ. Năm 2022, tỷ lệ “gia đình văn hóa” toàn tỉnh đạt 73,5%; tổ dân phố, làng, thôn, bản văn hóa đạt 64,5%. Việc quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ được thực hiện tốt. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm văn hóa được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác văn hóa. Môi trường văn hóa số được xây dựng ở các cấp, ngành, các xã, phường, thị trấn. Công tác đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ được thực hiện thường xuyên.

Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 12 nhà văn hóa cấp xã, trên 100 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Đến nay, có 161/193 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, đạt tỷ lệ 83,4%, trong đó có 63 nhà văn hóa đạt chuẩn; 1.836/2.071 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt 88,6%. Nhiều phong trào được triển khai sâu rộng trong xã hội nhằm tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, tiến bộ phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Hà Giang hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật… Qua đó, góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Theo Báo Hà Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×