Xây dựng và quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Liên hoan Phim Việt Nam: Đâu là tiêu chí “số 1”?
18/07/2020 | 21:06“Việc quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Liên hoan Phim Việt Nam là lựa chọn hàng đầu cho nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Thông qua tác phẩm điện ảnh được chiếu tại LHP, những thông tin về địa lý, lịch sử, những sắc màu văn hóa và tập tục truyền thống sẽ được thể hiện sinh động, ấn tượng, dễ đi vào lòng người...”.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh tại Hội nghị - hội thảo chuyên đề “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan Phim Việt Nam” do Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) tổ chức vào ngày 16.7, tại TP.HCM.
Diễn đàn đã nhận được sự tham gia ý kiến của đông đảo văn nghệ sĩ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà sản xuất phim và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh...
Lựa chọn hàng đầu cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam
Các ý kiến tập trung thảo luận, chia sẻ những suy nghĩ về tính cấp thiết trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia Liên hoan phim (LHP) Việt Nam, tuyên truyền để gắn kết với hoạt động du lịch và ngoại giao văn hóa, xây dựng và quảng bá thương hiệu hoạt động này thông qua xúc tiến phát triển điện ảnh và mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế...
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, nhu cầu và xu hướng hội nhập với điện ảnh quốc tế đã đặt ra những thách thức đòi hỏi cần phải có thương hiệu mang tầm quốc gia của LHP Việt Nam được xây dựng một cách bài bản, khoa học và mang tính chuyên nghiệp cao; đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ mới; xây dựng được thương hiệu để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh cùng các đơn vị liên quan xây dựng đề án quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam, qua đó thu hút công chúng trong nước và bạn bè quốc tế đến với nghệ thuật điện ảnh nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam cũng là một trong những nội dung quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện ảnh trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng theo tinh thần này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ: “Ở lĩnh vực văn hóa, Điện ảnh là ngành có tiềm năng lớn trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chiếm lĩnh vị trí trung tâm, trọng yếu để giới thiệu các sản phẩm điện ảnh không nơi nào thuận lợi, hiệu quả hơn các LHP trong nước và quốc tế. Do vậy, việc quảng bá “Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Liên hoan Phim Việt Nam” là một lựa chọn hàng đầu cho nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Thông qua tác phẩm điện ảnh được chiếu tại LHP, những thông tin về địa lý, lịch sử, những sắc màu văn hóa và tập tục truyền thống sẽ được thể hiện sinh động, ấn tượng, dễ đi vào lòng người. Điện ảnh là một trong những phương tiện quảng bá hình ảnh đất nước rất hiệu quả dù rằng lượng người xem phim ít hơn người xem truyền hình và các kênh truyền thông xã hội. Nhưng tác phẩm điện ảnh lại có sức cuốn hút, để lại những dấu ấn sâu đậm, bền vững, điều mà các phương tiện truyền thông khó có thể thay thế.
Cần có sự đột phá
Theo các đạo diễn, nhà sản xuất, để xây dựng và quảng bá thương hiệu LHP Việt Nam, yếu tố đầu tiên cần chú trọng là truyền thông bài bản và liên tục. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì sản phẩm phải thực sự có chất lượng. Đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên Hồng Ánh chia sẻ: “Trong 21 kỳ LHP Việt Nam vừa qua, tôi chỉ vắng mặt một kỳ ở Hạ Long vì có việc bận. Kể ra thế để trả lời cho câu hỏi LHP Việt Nam có thương hiệu hay không? Là người đồng hành hầu hết các kỳ LHP cũng như đời sống điện ảnh Việt Nam, tôi khẳng định là LHP Việt Nam có thương hiệu và uy tín rất tốt. Tuy nhiên, nhìn thực trạng trong khoảng 10 năm gần đây, dường như thương hiệu này đã có phần đi xuống”, nữ đạo diễn bày tỏ và thẳng thắn nêu quan điểm: “Nếu coi LHP Việt Nam như một sản phẩm hàng hóa thì ngoài việc quảng bá cho công tác tổ chức thì sản phẩm phải chất lượng và có tính ổn định theo hiệu ứng đi lên. Làm sao để cá nhân nhận giải cảm thấy tự hào và lấy đó làm động lực để cống hiến. Nhà quản lý mà cụ thể ở đây là Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL cần tạo đầu ra cho những cá nhân đạt giải trong các kỳ LHP, nói một cách khác là LHP Việt Nam cần có bệ phóng cho tài năng, cần có sự đột phá để nâng cao chất lượng”.
Là địa phương được chọn đăng cai LHP Việt Nam lần thứ 22 năm 2021, Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho rằng, giá trị thương hiệu LHP Việt Nam đã được xây dựng và khẳng định trong 50 năm qua. Để tiếp tục phát triển, quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam, cần khắc phục những hạn chế, phát huy những tích cực. “Theo chúng tôi, BTC cần xem xét bộ tiêu chí về giải cho từng hạng mục phim tại Liên hoan, không chỉ dựa trên tiêu chuẩn Việt Nam mà cần phải tiệm cận với thế giới. Có như vậy, các tác phẩm đạt giải của LHP Việt Nam mới được cộng đồng điện ảnh quốc tế công nhận”, ông Hải mong muốn và nhấn mạnh: “Các tác phẩm muốn tham dự LHP phải làm thật kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng và cũng để khẳng định rằng LHP Việt Nam là một sân chơi chuyên nghiệp, không dành cho các tác phẩm nghiệp dư, hời hời, thiếu giá trị nghệ thuật”.
LHP Việt Nam lần thứ 22 sẽ có ít nhất hai điểm mới
Theo nhiều đại biểu, một yếu tố quan trọng khác làm nên thành công của LHP Việt Nam, đó là các phim đoạt giải cao phải được công chúng đón nhận thể hiện qua doanh thu phòng vé. Để đạt được điều này thì vai trò của Hội đồng giám khảo với tư cách cầm cân nảy mực là yếu tố tiên quyết, tiếp đó là vai trò của Ban tổ chức trong việc hỗ trợ, kết nối các nhà sản xuất với nhà phân phối để các tác phẩm được phổ biến rộng rãi, tránh tình trạng phim đạt giải cao nhưng không có khán giả. Theo nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh: “Chúng ta đang có nhiều thuận lợi về hệ thống các di sản văn hóa, di tích lễ hội, bối cảnh phim cũng vô cùng đa dạng cho việc quảng bá thương hiệu LHP Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố truyền thông vẫn còn khá yếu. Cần phải chuẩn bị công tác tổ chức càng sớm càng tốt, ngay khi kết thúc LHP kỳ này thì phải lên kế hoạch cho kỳ sau, thông tin liên tục đến các đối tượng đạo diễn, nhà làm phim, nhà tài trợ,… để kêu gọi và tận dụng mọi tiềm lực về tài chính cho LHP”. Còn theo diễn viên Hồng Ánh, Cục Điện ảnh cần hỗ trợ kinh phí và những khóa đào tạo để các nghệ sĩ, đạo diễn có cơ hội tham gia hoạt động chuyên môn, có sự kết nối văn hóa với khu vực và quốc tế, nhất là các cá nhân đạt giải trong các kỳ LHP.
Thông qua những phản hồi của đại biểu, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Ban tổ chức LHP Việt Nam sẽ có điều chỉnh, công việc trước mắt cần làm ngay là tận dụng khoảng trống hai năm giữa mỗi kỳ để quảng bá cho LHP sắp tới. Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, LHP Việt Nam kỳ nào cũng có yếu tố mới, nhưng LHP Việt Nam 2021 tới đây sẽ có ít nhất hai điểm mới: “Thứ nhất là ban giám khảo sẽ được trẻ hóa về cả quan điểm và xu hướng nghệ thuật trong tư duy của từng thành viên cũng như trẻ hóa về độ tuổi; phải là nghệ sĩ đang sống, đang làm việc trong môi trường điện ảnh hiện đại, đang song hành và cùng nhịp đập với chúng ta. Thứ hai, khách mời đến dự cũng phải là những nghệ sĩ đang làm việc, đang hoạt động “máu lửa”, đang khao khát được sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật”.
Trong 21 kỳ LHP Việt Nam vừa qua, tôi chỉ vắng mặt một kỳ ở Hạ Long vì có việc bận. Kể ra thế để trả lời cho câu hỏi LHP Việt Nam có thương hiệu hay không? Là người đồng hành hầu hết các kỳ LHP cũng như đời sống điện ảnh Việt Nam, tôi khẳng định là LHP Việt Nam có thương hiệu và uy tín rất tốt. Tuy nhiên, nhìn thực trạng trong khoảng 10 năm gần đây, dường như thương hiệu này đã có phần đi xuống. (Đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên HỒNG ÁNH) |