Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa: Thêm sản phẩm để hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế

04/11/2020 | 07:53

Chiều 3/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch về dự thảo Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa nằm trong Kế hoạch của ngành VHTTDL thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là yêu cầu đối với lĩnh vực du lịch văn hóa phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm du lịch. Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa là việc làm thực sự cần thiết nhằm tạo bước phát triển đột phá trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa: Thêm sản phẩm để hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng làm việc về Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa (ảnh Minh Khánh)

Đề án được Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng trên cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Đề án cũng khái quát hiện trạng phát triển du lịch văn hóa tại Việt Nam cùng với việc đưa ra các giá trị cốt lõi của thương hiệu về du lịch văn hóa Việt Nam; Định hướng, mục tiêu và nội dung phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa của Việt Nam; Giải pháp triển khai và cách tổ chức thực hiện.

Cụ thể, thương hiệu du lịch quốc gia về du lịch văn hóa sẽ tập trung phát triển trên 2 lĩnh vực có thế mạnh gồm ẩm thực và di sản. Qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường ưa chuộng.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 20% trong tổng số khoảng 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa Việt Nam được mở rộng, ghi nhận tại các thị trường mới và thị trường mục tiêu.

Nội dung phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa của Việt Nam gồm: Quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa; Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, ẩm thực và Đổi mới chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực.

Dự thảo cũng nêu những giải pháp triển khai du lịch văn hóa như: giải pháp về nghiên cứu và dự báo; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về thương mại, truyền thông; giải pháp đầu tư, tài chính ứng dụng…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cơ bản đồng tình với những nội dung mà Dự thảo Đề án đã đề ra. Thứ trưởng khẳng định, Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa là một đề án lớn được Bộ VHTTDL xây dựng nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết của Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thời gian xây dựng Đề án diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nên việc khảo sát thực tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, Tổng cục Du lịch đã hoàn thiện Dự thảo Đề án, lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan.

Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa: Thêm sản phẩm để hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh Minh Khánh)

Thứ trưởng nêu thực tế, Việt Nam có rất nhiều di sản văn hóa, nhiều món ăn nổi tiếng nhưng chưa xây dựng thành thương hiệu quốc gia. Đó là hạn chế trong tư duy và tầm nhìn của các địa phương, chưa thấy được vai trò của thương hiệu, chưa xác định nó là giá trị, là thành tố cấu thành chuỗi giá trị của sản phẩm.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, trong nội dung Dự thảo Đề án, cần làm rõ những khó khăn, hiện trạng đang có của du lịch văn hóa. Làm nổi bật những vấn đề còn tồn tại và hướng đến những giải pháp để khai thác di sản, ẩm thực vào phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả, đồng thời tránh sự khai thác kiệt quệ di sản.

Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp quảng bá, xây dựng thương hiệu của Đề án cần chú trọng hướng đến người Việt làm nên thương hiệu của người Việt để từ đó tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt và hấp dẫn, nhằm thu hút, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×