Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn

10/02/2017 | 09:39

Ngày 9/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì buổi làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để bàn về kế hoạch xây dựng sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn.

Ngày 9/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì buổi làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để bàn về kế hoạch xây dựng sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần bàn bạc, thảo luận để đảm bảo trong năm 2017 xây dựng hoàn thiện và đưa vào triển khai sản phẩm nghệ thuật vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, vừa mang tính giải trí dành cho du khách tại Nhà hát Lớn Hà Nội.



Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, xây dựng sản phẩm nghệ thuật dành cho khách du lịch tại Nhà hát Lớn là chủ trương rất đúng đắn và khả thi. Ý tưởng này đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa làm được và sự quyết tâm triển khai của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa chủ trương này.

Ông Tuấn khẳng định, Bộ VHTTDL hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể triển khai thành công chủ trương này. Trong đó, bản thân Nhà hát Lớn là biểu tượng văn hóa lịch sử của thủ đô, của Việt Nam, hội tụ những giá trị tiêu biểu, khác biệt và có thể có sức thu hút du khách đến tham quan và thưởng thức nghệ thuật. Hiện nay, phần đông người dân vẫn có tâm lý rằng Nhà hát Lớn là ‘Thánh đường nghệ thuật”, là chốn xa xỉ, người bình thường khó có cơ hội tiếp cận. Nhưng khi xây dựng thành tour nghệ thuật dành cho du khách tại Nhà hát Lớn thì bất kỳ ai có nguyện vọng đều có cơ hội đặt chân đến “thánh đường nghệ thuật” này.



Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Ngoài ra, Bộ VHTTDL là nơi hội tụ của những nghệ sĩ và Nhà hát hàng đầu cả nước, đây là điều kiện rất thuận lợi để hiện thực hóa chủ trương này. Về kinh phí triển khai, có thể trích từ Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch để hỗ trợ thực hiện chủ trương này, trong đó tập trung hỗ trợ kinh phí thuê Nhà hát Lớn để biểu diễn và công tác truyền thông quảng bá, kết nối với các đơn vị lữ hành. Phần kinh phí còn lại sẽ huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.

Cụ thể, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đề xuất, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ chủ trì xây dựng Đề án, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ hoàn thiện, Nhà hát Lớn xây dựng chương trình tour tham quan tại Nhà hát và nội dung thuyết minh. Ông Tuấn cũng đề xuất hai gói sản phẩm nghệ thuật dành cho Du lịch tại Nhà hát Lớn: Gói sản phẩm thứ nhất là đến thăm quan và thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn từ 45 phút đến 1 giờ. Gói sản phẩm thứ hai là tích hợp 3-4 sản phẩm kết nối các điểm đến khác, kéo dài khoảng 5-6 giờ, bao gồm: Đi thăm phố cổ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (tùy khách lựa chọn); đến ăn tại Nhà hàng đặc sắc tại Hà Nội (lựa chọn một số nhà hàng để liên kết, phối hợp), cuối cùng là tham quan Nhà hát và thưởng thức nghệ thuật.



Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Ban quản lý Nhà hát Lớn

Đồng tình với chủ trương này, ông Phạm Đình Thắng- Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định Cục sẽ xây dựng đề án cụ thể để trình Bộ trưởng. Trước mắt, ông Thắng đề xuất Nhà hát Lớn cần xây dựng đội ngũ thuyết minh chuyên nghiệp để giới thiệu về những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của nhà hát, đồng thời chỉnh trang lại Nhà hát phục vụ khách du lịch.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Cường góp ý, nên xây dựng chương trình tour đa dạng, phong phú để du khách có thể lựa chọn theo nhu cầu và có phục vụ cả ăn uống nhẹ. Theo kinh nghiệm của bảo tàng, ông Cường cho rằng, nên xem xét tổ chức chương trình tour thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn cả vào buổi sáng và buổi chiều để du khách có thể lựa chọn. Bởi lẽ, nếu tổ chức nghệ thuật vào buổi sáng thì có thể chỉ thu hút đông du khách trong nước, trong khi khách quốc  tế đa số đến vào buổi chiều.



Toàn cảnh cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo, sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch cần ngắn gọn, đảm bảo mang bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời vừa có tính giải trí, nhẹ nhàng, tránh thiên về hàn lâm, nghiên cứu để giúp du khách có những giây phút vui vẻ, thư giãn khi lưu lại thủ đô. Ngoài ra, Nhà hát Lớn cần xây dựng nội dung đặc sắc giới thiệu về lịch sử của Nhà hát Lớn cũng như những địa danh xung quanh nhà hát, đội ngũ thuyết minh hấp dẫn và có phục vụ ăn nhẹ tại Nhà Gương để tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, giữ chân du khách. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng đề án theo hướng tổ chức chương trình chủ yếu vào các buổi sáng trong tuần và một số buổi chiều nhất định để vẫn đảm bảo Nhà hát Lớn đủ thời gian triển khai các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào buổi tối.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ đạo Cục Biểu diễn Nghệ thuật chịu trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện Đề án ngay trong tháng 2 để kịp đưa chương trình vào thử nghiệm vào tháng 3 và chính thức đưa vào triển khai đón khách trong tháng 4/2017. Bộ trưởng tin tưởng, Chương trình này nhất định sẽ thành công và đây sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn dành cho du khách đến thủ đô./.

Lâm Minh - Minh Khánh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×