Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Tôn vinh các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật

23/06/2023 | 16:08

Sáng 23/6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" và Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ; đại diện các đơn vị nghệ thuật, hãng phim, các nhà hát thuộc Bộ; lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương; các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Đài PTTH các tỉnh, thành khu vực phía Bắc; các chuyên gia, các NSND, NSƯT...

Xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Tôn vinh các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật - Ảnh 1.

Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" và Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" khu vực phía Bắc

Đảm bảo danh hiệu thực chất, có ý nghĩa cao quý

Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nghiêm Thị Thanh Nguyệt đã trình bày báo cáo công tác triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo đó, ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" cho người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng nói chung và pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói riêng.

Dự thảo Nghị định được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật và các văn bản là căn cứ pháp lý nói riêng.

Quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thực hiện đúng quy trình, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Bộ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tứ" tại 02 khu vực phía Bắc tổ chức tại Hà Nội (tháng 11/2022); phía Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 12/2022).

Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định gồm đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan.

Dự thảo được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác tin xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP; Nghị định số 40/2021/NĐ-CP; bổ sung thêm đối tượng mới "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" (đây là đối tượng mới được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022).

Để việc quy định xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tứ" đối với đối tượng người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" phù hợp với từng loại hình của từng chuyên ngành, ngày 23/3/2023 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1033/BVHTTDL-TCCB gửi 09 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương đề nghị báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan đến đối tượng người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đề xuất cụ thể về đối tượng, tiểu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của từng đối tượng.

Tính đến ngày 10/4/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Công văn của 09/09 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương báo cáo, đề xuất về các nội dung liên quan đến đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" trong xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", có 3 hội đề xuất bổ sung đối tượng gồm: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề xuất đối tượng: Tác giả kịch bản múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất đối tượng: Nhạc sĩ sáng tác và phối khí; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng: Nghệ sĩ sáng tác; Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh; Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.

"Ban soạn thảo đã họp, thảo luận và thống nhất: Có một số đối tượng chưa phù hợp, cụ thể: Đối tượng "Tác giả kịch bản múa" và "Nhạc sĩ phối khí" không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; Đối tượng "Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh" thuộc đối tượng xét danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; Đối tượng "Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh" thuộc đối tượng xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh","Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật"- bà Nguyệt thông tin.

Xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Tôn vinh các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật - Ảnh 2.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, trong quá trình soạn thảo Nghị định, có những vướng mắc cần có ý kiến từ thực tế, Bộ VHTTDL mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp sát với thực tiễn, đặt trong tổng thể hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, khách quan, để tôn vinh xứng đáng, tránh bỏ sót các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến, nhưng cũng đảm bảo việc trao danh hiệu thực chất, để danh hiệu thực sự có ý nghĩa cao quý trong lòng nghệ sỹ và công chúng.

Mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị định lần này đã có nhiều sửa đổi, sát thực tiễn, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề như nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia là đối tượng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, giờ có thêm trong xét danh hiệu NSND, NSƯT thì phân định không rõ.

Nếu nói một bên Giải thưởng là xét tác phẩm, danh hiệu là xét con người thì chưa hợp lý. Tác phẩm nào cũng gắn con người cụ thể. Với sân khấu, danh hiệu NSND, NSƯT gắn liền các vai diễn, vở diễn, và tên tuổi của các nghệ sĩ. Với âm nhạc, nhạc sĩ có tác phẩm được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Với nhiếp ảnh, một tác giả, tác phẩm có mấy danh hiệu, giải thưởng là bất cập so với các hoạt động nghệ thuật khác. Chỉ có đạo diễn điện ảnh, đạo diễn sân khấu có thể mới phù hợp, về sức sáng tạo và lao động nghệ thuật.

NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho rằng việc quy đổi huy chương cần lưu ý đến đặc thù của lĩnh vực điện ảnh. "Huy chương vàng điện ảnh khó gấp 100 lần sân khấu. Có thể thành lập hội đồng xét tác phẩm có giá trị, lan toả... để xét danh hiệu"- NSƯT Tấn Minh đề xuất.

NSND Trung Hiếu- Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội đề nghị, thực tiễn hiện nay, các cuộc liên hoan sân khấu rất nhiều. Vì vậy, quy định 2 giải vàng quốc gia đối với danh hiệu NSƯT, 4 giải vàng quốc gia với danh hiệu NSND là có phần dễ dàng. NSND Trung Hiếu đề xuất tăng giải thưởng khi xét danh hiệu, để thực sự nâng cao chất lượng danh hiệu và có chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Tôn vinh các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị

Tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nội dung thay đổi căn bản về đối tượng xét tặng, bổ sung "Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" nên dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" lần này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng trên cơ sở: Tiếp tục hoàn thiện những quy định hiện nay đang phù hợp tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP.

Bổ sung thêm một số đối tượng hoạt động nghệ thuật mới: Quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; Bổ sung đối tượng xét theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt": cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch; Bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ (biên đạo múa trong vở diễn sân khấu; diễn viên chính trong vở diễn sân khấu; diễn viên nhạc của dàn nhạc trong các vở diễn sân khấu).

Xây dựng mới về điều kiện, tiêu chuẩn, cách tính thời gian tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật; lượng hóa về tiêu chuẩn "có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận" cho đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" là "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật".

Thứ trưởng cho biết, hiện nay, do vẫn trong khoảng thời gian lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định, nên các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đang gửi ý kiến góp ý về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (từ 18/5 đến 18/7/2023), Bộ đề nghị các các cơ quan, đơn vị trực tiếp triển khai công tác xét tặng tại Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ/tỉnh (ở Trung ương là các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của các Bộ/ngành; tại địa phương là các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, thành phố): tiếp tục nghiên cứu, có những đóng góp cụ thể về dự thảo Nghị định, trong đó đặc biệt chú ý về đối tượng mới được quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022: Cho ý kiến đề xuất về đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" của các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để đưa vào đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" cho chính xác và phù hợp.

Cho ý kiến về cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đối với đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" theo quy định tại điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, được tính từ thời điểm nào? nêu căn cứ tính (nội dung này đang dự kiến quy định tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Nghị định); Về cách tính cụ thể đối với tiêu chuẩn "có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận" theo quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được thể hiện dưới hình thức nào?

"Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khoa học, khả thi, hiệu quả, bám sát thực tế để tôn vinh những nghệ sĩ có tài năng nổi trội của từng loại hình, ngành nghề nghệ thuật để tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà nhưng vẫn phải đảm bảo bảo các quy định tại Điều 66 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022"- Thứ trưởng khẳng định./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×