Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển điện ảnh Việt Nam

25/01/2018 | 16:40

Sáng 25/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì cuộc họp với Cục Điện ảnh bàn về việc xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển điện ảnh Việt Nam.

Tại cuộc họp, TS Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Trong những năm qua, nền điện ảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, trong đó thị trường phát hành và phổ biến phim có nhiều khởi sắc, doanh thu phòng vé tăng trưởng mạnh, xã hội hóa phát triển”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì cuộc họp. Ảnh: Gia Linh

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật và chính sách phát triển điện ảnh (như: Luật Điện ảnh ban hành ngày 18/6/2009, hệ thống các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh, chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”) đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau 10 năm thực thi, nhiều điều khoản của Luật Điện ảnh đã bộc lộ những bất cập và trở nên lạc hậu chưa theo kịp nhu cầu thực tế.

Ngành điện ảnh đang đứng trước vô vàn khó khăn. Về thực trạng sản xuất phim, tính đến 12/2017, cả nước có hơn 470 doanh nghiệp sản xuất phim. Trong số các doanh nghiệp nói trên có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư thường xuyên và tích cực vào sản xuất phim điện ảnh. Trong 03 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm sản lượng phim giữ ở mức cao so với giai đoạn trước năm 2014. Riêng năm 2017, sản xuất được 38 phim. Số lượng phim do các doanh nghiệp sản xuất phim của Việt Nam không ngừng tăng về số lượng, quy mô, tuy nhiên, đề tài chưa phong phú, chủ yếu là phim thương mại. Nhưng đáng chú ý, trong ba năm qua không có dự án phim truyện nào do Nhà nước đặt hàng được sản xuất.

TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ảnh: Gia Linh

Đối với phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất, Luật Điện ảnh và Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh quy định sản xuất phim đặt hàng phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất phim không thể áp dụng máy móc các quy định này, vì vậy việc bố trí ngân sách đặt hàng sản xuất phim bị ngưng trệ. Đến quý III năm 2017, ngành Điện ảnh mới được Bộ Tài chính phân bổ ngân sách đặt hàng sản xuất phim cho các năm 2015, 2016 và 2017. 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim, phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại thị trường Việt Nam với hơn 70% số lượng phim phát hành. Năm 2007, khi ký kết các Hiệp định Thương mại của WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch nhập khẩu phim, vì vậy, phim Việt Nam phải đối đầu với cuộc cạnh tranh không cân sức. Các doanh nghiệp nước ngoài đơn phương giảm giá vé trong các chiến dịch khuyến mại do nắm thị phần lớn, gây tâm lý bất an cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam. Mặt khác, ngân sách hoạt động đối ngoại và quảng bá điện ảnh Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Gia Linh

Trước những thực trạng đó, TS Ngô Phương Lan cho rằng, việc quan trọng là xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) tương thích với các bộ luật, luật và hiệp ước quốc tế có liên quan đang thực thi tại Việt Nam, nhưng phải phù hợp với đặc thù của nghệ thuật điện ảnh và xu hướng hội nhập quốc tế, đồng thời bảo vệ nền điện ảnh dân tộc. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh như: cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh; thành lập Ủy ban Điện ảnh nhằm quảng bá điện ảnh Việt Nam, bối cảnh quay phim, thúc đẩy hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ làm phim nước ngoài, quảng bá điện ảnh Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam qua các kỳ Liên hoan Điện ảnh…

Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh, điện ảnh là một lĩnh vực quan trọng, mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa. Nhìn nhận những khó khăn của điện ảnh Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch Tài chính sớm xây dựng tờ trình báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ về vấn đề này./.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×