WIPO luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong thực thi các vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan
07/09/2022 | 15:10Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chào mừng Ngài Hasan Kleib và đoàn công tác tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đến thăm và làm việc tại Bộ VHTTDL; đồng thời, bày tỏ sự cảm ơn lãnh đạo WIPO đã luôn quan tâm giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và các vấn đề về...
Chiều 6.9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với ngài Hasan Kleib, Phó Tổng Giám đốc WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và các vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng.
Cùng tham dự buổi làm việc có các cán bộ, chuyên gia WIPO; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chào mừng Ngài Hasan Kleib và đoàn công tác tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đến thăm và làm việc tại Bộ VHTTDL; đồng thời, bày tỏ sự cảm ơn lãnh đạo WIPO đã luôn quan tâm giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và các vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng. Lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định, các vấn đề về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, quyền liên quan có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; góp phần thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Bộ VHTTDL đã tham gia mạnh mẽ vào quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực trên. “Quá trình soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, trong đó Bộ VHTTDL tham gia phần nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ phía WIPO để đạt được kết quả tốt nhất. Đây là lĩnh vực khó và tương đối nhạy cảm, ngày càng được sự quan tâm, vì vậy, mong rằng WIPO sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực này”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng có vai trò, ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai các cam kết quốc tế tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, Bộ VHTTDL đã tích cực mở rộng, tăng cường hợp tác song phương về bản quyền tác giả, quyền liên quan với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực này tại các cơ chế đa phương như APEC, ASEAN, đặc biệt là WIPO. Trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- WIPO trong thời gian qua, vai trò của Việt Nam trong WIPO phát triển, hợp tác Việt Nam- WIPO đạt được những kết quả tốt đẹp.
Trên cơ sở những kết quả hợp tác tốt đẹp đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, những công việc trong thời gian tới từ phía Việt Nam sẽ cần sự hỗ trợ, hợp tác tích cực, hiệu quả từ phía WIPO. Thứ trưởng đề nghị WIPO xem xét, hỗ trợ Việt Nam một số công việc cụ thể: Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam về chuyên gia, kỹ thuật và tài chính trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn về quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian sắp tới.
Đồng thời, đề nghị WIPO hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nâng cao năng lực về quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; nâng cao hiệu quả thực thi các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan; mở rộng hợp tác hỗ trợ thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số...
Bên cạnh đó, đề nghị WIPO hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền tại Việt Nam; hỗ trợ, hướng dẫn Việt Nam đánh giá sự đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền tại Việt Nam.
Trao đổi với lãnh đạo Bộ VHTTDL về những nội dung này, ngài Hasan Kleib, Phó Tổng Giám đốc WIPO nhấn mạnh, Ban lãnh đạo WIPO với định hướng mới đã xác định sở hữu trí tuệ không đơn thuần là những vấn đề về pháp lý, kỹ thuật mà còn được xác định là công cụ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, mở rộng và hướng tới các đối tượng mới như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giới trẻ và phụ nữ.
Phó Tổng Giám đốc WIPO ghi nhận sự hợp tác tốt đẹp giữa WIPO và Việt Nam trong thời gian qua và cho biết luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy sự hợp tác đạt hiệu quả cao. Ông Hasan Kleib gợi mở, Việt Nam có thể chủ động nêu những vấn đề cần tư vấn, hợp tác với tổ chức này để hai bên cùng bàn bạc, có những hỗ trợ cần thiết. Trong đó, Viện Sở hữu trí tuệ của WIPO có nhiều lĩnh vực đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực như du lịch, trò chơi điện tử, doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo..., phía Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với WIPO trong những lĩnh vực này.
Về những đề nghị cụ thể được lãnh đạo Bộ VHTTDL nêu, ông Hasan Kleib cho biết, WIPO sẵn sàng tư vấn pháp lý, chia sẻ những kinh nghiệm cần thiết với Việt Nam. Về vấn đề chuyển đổi số, WIPO đang thí điểm một dự án về công nghiệp sáng tạo trong thời đại số, từ đó sẽ chia sẻ kinh nghiệm từ dự án này với các quốc gia nhằm đưa công nghiệp sáng tạo vào hệ sinh thái số.
“WIPO luôn sẵn sàng chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan. Trong các hoạt động hợp tác quốc tế, chúng tôi cũng đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ, không chỉ khuyến khích các quốc gia tham gia ký kết các cam kết quốc tế mà còn giúp đỡ các quốc gia trong quá trình thực thi những cam kết đó...”, ông Hasan Kleib khẳng định.
Theo Báo Văn Hóa