"Vui Tết độc lập" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
14/08/2023 | 09:17Từ ngày 01 - 04/9/2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động hấp dẫn nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, thể hiện nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thông qua không gian chợ vùng cao và các hoạt động của đồng bào vui mừng Ngày Quốc khánh, trình diễn các hoạt động dân ca dân vũ, giới thiệu ẩm thực sản vật địa phương dân tộc, vùng miền góp phần quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương.
Các hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2/9 sẽ có sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ gồm: Hơn 100 đồng bào của 15 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Huy động khoảng 75 người của 4 dân tộc, 03 địa phương tham gia lễ hội, hoạt động: 20 người của dân tộc Nùng (Lạng Sơn), 40 người của dân tộc Mông, Tày, Nùng (Cao Bằng) trong đó 20 người Mông, 10 người Tày, 10 người Nùng; 15 người của dân tộc Thái (Sơn La).
Hoạt động điểm nhấn dịp sư kiện nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 chủ đề: "Vui Tết độc lập". Trong đó sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như Chợ vùng cao Vui Tết độc lập tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao, tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do cộng đồng dân tộc thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách.
Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú... Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La... trưng bày giới thiệu các sản vật dân tộc: rau củ quả: măng ớt, măng khô, quả móc mật…, các loại gia vị đặc trưng hoa hồi, thảo quả, móc mật..., các món ăn đặc trưng của các dân tộc như thắng cố, rượu ngô mèn mén, lợn sữa quay móc mật, vịt quay, phở chua, bánh cuốn trứng...; xôi nếp bảy màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng..., giới thiệu Văn hóa - Du lịch của tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn (trưng bày ảnh, sách, tờ rơi quảng bá du lịch tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn); giới thiệu và bán thổ cẩm của dân tộc Mông, Thái, Dao, Khơ Mú... (trang phục, khăn, vòng tay, đồ lưu niệm).
Giới thiệu không gian văn hóa chợ của người Mông, Thái, Tày, Nùng... trong đó là các hoạt động tái hiện như không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui, không gian những cặp trai gái đồng bào Mông say sưa múa khèn, đồng bào dân tộc Nùng rộn rã trong những điệu múa Sư tử mừng vui Tết độc lập, không gian đồng bào Thái, Tày,… hát giao duyên, sli, lượn, cọi…khi chơi chợ, không gian đồng bào dân tộc giới thiệu lịch sử, quy trình, nguyên liệu, chế biến một số món ăn dân tộc đặc trưng độc đáo như nấu rượu, làm xôi ngũ sắc,quy trình dệt vải...
Không gian điểm nhấn là đồng bào dân tộc Mông tỉnh Cao Bằng với chảo thắng cố nghi ngút khói, những điệu khèn mừng vui Tết độc lập khi gặp gỡ các dân tộc anh em: Mông, Thái, Tày, Nùng,…tất cả tạo nên một không khí vui tươi, rực rỡ của ngày Quốc khánh; những món ăn hấp dẫn lợn quay, vịt quay cả con của Lạng Sơn; hoạt động giã bánh dày của đồng bào Mông tỉnh Cao Bằng thêm vào đó là một hoạt động múa sư tử của nhóm nghệ nhân dân tộc Nùng cùng sự tham gia của du khách…Tất cả sẽ tạo nên một không khí nhộn nhịp, hồ hởi, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc với phiên chợ vui Tết độc lập.
Giới thiệu, trình diễn nghề Rèn Phúc Sen tỉnh Cao Bằng sẽ đem đến cho du khách trải nghiệm quy trình rèn thủ công phải qua nhiều công đoạn. Đây là công việc nặng nhọc cần có sự hỗ trợ lẫn nhau, một lò rèn thường có 2-3 thợ cùng rèn, trong đó có thợ cả và các thợ phụ. Thợ cả là người có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chỉ đạo mọi khâu trong quá trình rèn sản phẩm. Thợ cả kiểm tra độ nóng của lò, độ nung của sản phẩm, tạo dáng sản phẩm, đảm nhiệm việc tôi sản phẩm. Các thợ phụ làm việc theo hướng dẫn của thợ cả, trực tiếp quai búa đập dãn sắt cho mềm dẻo khi đã được nung đỏ, giúp thợ cả kéo bễ lò, mài, dũa sản phẩm". Những điều này đã làm nên sự khác biệt cho các sản phẩm của làng nghề.
Bên cạnh đó là chương trình giới thiệu nghệ thuật múa Sư tử mèo của dân tộc Nùng (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia)- một nét văn hóa truyền thống được hình thành qua nhiều thế hệ và gắn bó lâu đời với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Hàng năm, khi bước vào các mùa lễ hội như: lễ hội Lồng tồng, lễ hội mùa xuân, Tết Trung thu... là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn lại tưng bừng mở hội múa sư tử mèo. Điệu múa sư tử mèo thể hiện tinh thần thượng võ của người Nùng, những động tác múa võ vừa nhanh vừa uyển chuyển kết hợp với tiếng trống. Đồng bào dân tộc Nùng quan niệm múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu nên khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hay. Giới thiệu nghệ thuật múa sư tử mèo tại không gian chợ góp phần quảng bá di sản văn hóa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút thiếu niên gợi nhớ về Tết Trung Thu. Kết hợp không gian trải nghiệm làm mặt nạ Sư tử…của các nghệ nhân dân tộc Nùng, Lạng Sơn.
Ngoài ra, Vui Tết độc lập còn mang đến chương trình dân ca, dân vũ với những tiết mục mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc và các trò chơi dân gian của cộng đông các dân tộc, tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng mừng Ngày Quốc khánh 2/9.
Trong dịp này, nhiều lễ hội truyền thống tiếp tục được tái hiện tại không gian Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam như: Tái hiện Lễ cưới của dân tộc Nùng; Tái hiện nghi thức rước ma giữ lửa của đồng bào dân tộc Mông.../.