Việt Nam-Lào: Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận về phát triển văn hóa và con người
21/12/2023 | 17:02Cùng với các báo cáo tại Hội thảo, nội dung tham luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp phần đưa kho tàng lý luận của Việt Nam và Lào ngày càng phong phú hơn, giúp các cơ quan nghiên cứu lý luận của hai nước nâng cao chất lượng
Trong các ngày 19-20/12/2023, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo Lý luận lần thứ X giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào với chủ đề “Phát triển văn hóa, con người trong tiến trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa - Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Lào” nhằm chia sẻ kinh nghiệm của hai Đảng về sự lãnh đạo phát triển văn hóa, con người theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Kikeo Khaykhamphithoune, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và các nhà khoa học của Việt Nam và Lào. Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, đồng chí Tạ Quang Đông, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng tham dự và có bài tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã trình bày báo cáo dẫn đề với chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển văn hóa, con người trong tiến trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thay mặt đoàn đại biểu Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ Kikeo Khaykhamphithoune trình bày báo cáo dẫn đề với chủ đề “Phát triển văn hóa, con người trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bài học kinh nghiệm của Lào”.
Tại các phiên thảo luận, các đồng chí lãnh đạo, nhà lý luận, nhà khoa học của hai bên đã trình bày 10 báo cáo tham luận, tập trung đề cập những vấn đề cốt yếu, quan trọng nhất của công tác phát triển văn hóa và con người ở Việt Nam và Lào như: Quá trình phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về vị trí, vai trò của văn hóa và nhân tố con người trong sự nghiệp đổi mới đất nước; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp nhu cầu phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội - một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; Xây dựng và phát triển con người toàn diện, chấn hưng đạo đức xã hội, xây dựng hệ giá trị con người và văn hóa Việt Nam; Thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người thành pháp luật và các chính sách cụ thể, khả thi; Văn hóa gắn với phát triển kinh tế tại Lào…Các báo cáo đã được hai bên trao đổi, thảo luận và đi sâu phân tích thực trạng, giải pháp của mỗi nước, qua đó làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lý luận, thực tiễn cấp thiết mà hai nước cùng quan tâm. Các tham luận cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước, nêu bật tính tiên phong của Đảng trong quá trình lãnh đạo công tác phát triển văn hóa và con người trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam và Lào và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chứng tỏ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn của Việt Nam và Lào. Bên cạnh việc chỉ ra những thành tựu, mặt tích cực, các báo cáo cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế, một số vấn đề thực tiễn đòi hỏi hai Đảng, hai nước cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện về lý luận, trong đó có vấn đề phát triển văn hóa và con người.
Phát biểu tham luận về vấn đề “thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người thành pháp luật và các chính sách cụ thể, khả thi: Thực trạng, kinh nghiệm, vấn đề đặt ra”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, những chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, con người đã được hiến định trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam, từng bước tạo ra một khung khổ pháp lý cơ bản đầy đủ, bao quát các lĩnh vực quản lý ngành, góp phần thể chế hóa và cụ thể hóa định hướng của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước cũng như mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân - thiện - mỹ. Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, song song với xây dựng hệ thống phát luật, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam được đặc biệt quan tâm và từng bước được xác định trên nguyên tắc dung hợp, vừa kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa chứa đựng những giá trị tiên tiến, hiện đại, đồng thời có những giá trị kỳ vọng, định hướng làm mục tiêu phấn đấu cho toàn xã hội và cộng đồng.
Trên cơ sở phân tích thực tiễn những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa, con người, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đưa ra một số đề xuất, giải pháp xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề cao việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng văn hóa và con người Việt Nam để văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”, khơi dậy truyền thống yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ưu tiên phát triển hệ giá trị con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường công tác văn hóa đối ngoại…
Cùng với các báo cáo tại Hội thảo, nội dung tham luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp phần đưa kho tàng lý luận của Việt Nam và Lào ngày càng phong phú hơn, giúp các cơ quan nghiên cứu lý luận của hai nước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách cũng như trong chỉ đạo thực tiễn về vấn đề phát triển văn hóa và con người, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng và thành công trong công cuộc đổi mới ở hai nước Việt Nam và Lào./.
Theo Cục Hợp tác Quốc tế