Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Việt Nam hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu

17/08/2016 | 16:30

Ngày 17/8, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội nghị “Việt Nam: Hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu” với sự tham gia của 200 đại diện các cơ quan hữu quan cùng nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước.


Hội nghị được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT, do Liên minh Châu Âu tài trợ).

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định, hiện nay, du lịch đang được Đảng, Chính phủ đặt kỳ vọng đến năm 2020 sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 10% GDP, tạo ra giá trị xuất khẩu tại chỗ hơn 15 tỷ USD và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Để đạt được những mục tiêu trên, ngành Du lịch đang chủ trương thực hiện chính sách phát triển bền vững, trong đó coi phát triển du lịch có trách nhiệm là con đường dẫn đến sự thành công.



Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị

Hiện nay, ở Việt Nam, biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hoá, du lịch, thương mại và dịch vụ, đồng thời đã ảnh hưởng tiêu cực gián tiếp đến các lĩnh vực khác như giao thông, vận tải, xây dựng công nghiệp, y tế công cộng,... Đơn cử như, nước biển dâng ảnh hưởng đến các bãi biển; một số bãi biển có thể sẽ biến mất hoặc bị xói lở sâu vào đất liền, làm hư hại các di sản văn hóa, các khu bảo tồn, các khu du lịch sinh thái ven biển… Bên cạnh đó, một số cơ sở hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Văn hóa. Thể thao và Du lịch đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị “Việt Nam hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu toàn cầu” nhằm tăng cường nhận thức về mối quan hệ hữu cơ giữa biến đổi khí hậu và phát triển triển du lịch bền vững, đồng thời tạo diễn đàn thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước có liên quan, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp du lịch về vấn đề này.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên bày tỏ mong muốn tại Hội nghị này, các đại biểu sẽ tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước để giúp ngành Du lịch Việt Nam tìm ra các giải pháp hữu hiệu ứng phó với hiện tượng thời tiết, khí hậu tiêu cực, giúp đẩy mạnh phát triển du lịch đạt mục tiêu đề ra trong dài hạn.



Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu nhấn mạnh biến đổi khí hậu hiện là vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt, trong đó ngành Du lịch cũng như Liên minh Châu Âu đều đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Dự án EU-ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ, thông qua hỗ trợ kỹ thuật, đã giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó đối với ngành Du lịch. Nhận thức được nói đến không chỉ đối với các vấn đề liên quan tới môi trường, mà còn là yêu cầu đối với trách nhiệm quản lý điểm đến của Chính phủ và ngành Du lịch, để giảm thiểu tác động tiêu cực và nâng cao yếu tố tích cực.

Thay mặt nhóm chuyên gia Dự án EU-ESRT, Giáo sư Peter Burns đã trình bày về thực trạng công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Giáo sư khẳng định, ở góc độ ngành Du lịch, hiện nay các Sở Du lịch/VHTTDL cấp tỉnh/thành đã có nhận thức về nguy cơ của biến đổi khí hậu, nhưng thiếu kiến thức chuyên môn về thích ứng và giảm thiểu. Các biện pháp thích ứng thường dựa trên ứng phó của từng doanh nghiệp, ví dụ một khu nghỉ dưỡng cố gắng làm những việc trong khả năng của mình, thay vì những nỗ lực hợp tác được điều phối trong một kế hoạch tổng thể chung.

Về phương diện khoa học, các đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động ứng phó biến đối khí hậu ở cấp tỉnh/thành có kiến thức khoa học rất tốt nhưng không nhận thức được những vấn đề khó khăn cụ thể, riêng biệt đối với ngành Du lịch. Do đó, chuyên gia Peter Burns nhấn mạnh, cần có sự trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ để những người làm Du lịch hiểu rõ về biến đổi khí hậu, trong khi đó những người làm khoa học hiểu biết thêm về ngành Du lịch.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, ngành Du lịch cần định ra các chính sách mới, quyết liệt, nhất quán và triển khai thực hành kinh doanh “Xanh” gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu. Việc đối thoại chính sách và học hỏi giữa các bên liên quan cũng cần được thực hiện song song với việc phối hợp các chương trình nghiên cứu và phát triển để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong ngành Du lịch. Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông nhằm tác động tới thái độ và mong đợi của người tiêu dùng (khách du lịch) về thực hành bảo vệ môi trường khi đi du lịch.

Trong khuôn khổ hội nghị, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu. Mục tiêu của việc hợp tác là nhằm thiết lập cơ sở cùng phối hợp hành động giữa lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu vì mục đích phát triển bền vững ngành Du lịch và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam./.

Minh Khoa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×