Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường Pháp và châu Âu
17/11/2023 | 15:17Chiều tối ngày 16/11 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Du lịch Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội” nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường Pháp và châu Âu.
Dự tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng; Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức của Pháp, các doanh nghiệp, đối tác trong ngành du lịch, lữ hành của Pháp và châu Âu; đại diện Vietravel, Vietnam Airlines…
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sự kiện được tổ chức thể hiện nỗ lực và quyết tâm của của cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Pháp trong việc chủ động thúc đẩy phát triển quan hệ nhiều mặt giữa hai quốc gia.
Là quốc gia giàu tiềm năng tự nhiên và nhân văn, nhiều sản phẩm đặc trưng, độc đáo, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo với những cảnh quan, bãi biển đẹp, sự thân thiện, mến khách, cần cù lao động của 54 dân tộc đang được tập trung khai thác theo hướng phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, Việt Nam có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên và 15 di sản văn hoá phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu và 3 công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận. Nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch đã được xếp hạng hàng đầu thế giới bởi các chuyên trang và mạng tư vấn, đánh giá du lịch có uy tín như World Travel Awards, TripAdvisor, Telegraph... hay các hãng truyền thông lớn như CNN, BBC...
Trong nhiều năm qua, Liên minh châu Âu là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam và Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có quan hệ toàn diện, sâu rộng nhất, là nước ASEAN duy nhất có tất cả các trụ cột hợp tác với Liên minh châu Âu. Trong lĩnh vực du lịch, Liên minh châu Âu là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam với 2,17 triệu lượt khách du lịch năm 2019, chiếm 12% tổng lượng khách đến Việt Nam. Trong đó, khách du lịch Pháp đến Việt Nam đạt 290 nghìn lượt, tăng 3% so với năm 2018, đứng thứ 2 trong những thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Hiện nay, đang có trên 300 nghìn người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Pháp, nhiều người có trình độ chuyên môn cao, là chuyên gia giỏi, đóng góp tích cực vào sự phát triển phồn thịnh của Cộng hòa Pháp.
Điểm lại tình hình hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và Pháp, Cục trưởng cho biết, thời gian qua, du lịch hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi khách như: Ký kết Hiệp định Hợp tác du lịch năm 1996, Nghị định thư triển khai Hiệp định hợp tác du lịch năm 2005; Ý định thư về hợp tác du lịch năm 2018. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Air France đã mở đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn, trung tâm du lịch của hai nước. Du lịch Việt Nam tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại Pháp như: Tổ chức các đoàn khảo sát, chương trình giới thiệu du lịch, tham gia hội chợ du lịch quốc tế Top Resa và các hoạt động khác thúc đẩy trao đổi khách giữa hai quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Pháp đi du lịch Việt Nam từ năm 2015 và đã nâng thời hạn tạm trú cho du khách Pháp lên 45 ngày kể từ ngày 15/8/2023.
“Đường bay thẳng thuận lợi; thủ tục nhập xuất cảnh đơn giản; điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, con người nồng hậu, mến khách là những điều kiện lý tưởng thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai nước”, Cục trưởng nhấn mạnh.
Hơn ba năm qua, đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp đến ngành du lịch thế giới nói chung, bao gồm cả du lịch Cộng hòa Pháp và du lịch Việt Nam. Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, hai nước đã mở lại toàn bộ hoạt động du lịch và tổ chức nhiều hoạt động khôi phục phát triển du lịch. Tọa đàm giới thiệu du lịch Việt Nam lần này là cơ hội tốt để doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Cộng hòa Pháp chia sẻ thông tin, tiến tới hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch hai chiều trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn.
Cục trưởng tin tưởng rằng, thông qua sự kiện cùng với những chương trình giới thiệu văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, các hoạt động truyền thông đa dạng, giao lưu du lịch giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị bền chặt Việt Nam - Pháp và thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa hai quốc gia.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển du lịch Việt Nam; hoạt động đón khách quốc tế; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên; các danh hiệu, giải thưởng quốc tế uy tín dành cho du lịch Việt Nam. Các đại biểu cũng đã được cập nhật về các chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, đoàn Việt Nam đã giới thiệu về các dòng sản phẩm đặc sắc, nổi bật của Việt Nam như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa-di sản, du lịch tự nhiên-sinh thái, du lịch thành phố, du lịch ẩm thực, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe… đến với đại biểu, doanh nghiệp quốc tế.
Bà Marie-Hélène Vincent, đại diện Vietnam Airlines tại Pháp đã giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Bà Lê Y Linh, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Corp tại Pháp, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến văn hóa du lịch Việt Nam tại Pháp và châu Âu đã giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ, chương trình tour phù hợp với thị trường Pháp và châu Âu. Ông Alain Nguyễn, Chủ tịch Hội đầu bếp TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà hàng Việt Nam đã có bài giới thiệu về văn hóa ẩm thực đặc sắc Việt Nam - một loại hình thế mạnh của du lịch Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa các hiệp hội, công ty du lịch và hàng không.
Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam