Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh mềm văn hóa
08/04/2025 | 21:33PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho rằng, với bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.
Chiều 8/4, tại Hà Nội, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam - Bộ VHTTDL phối hợp cùng Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức Chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa".
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, Chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa" là một sự kiện quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng.

Chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa" do Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam - Bộ VHTTDL phối hợp cùng Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức.
Sức mạnh mềm văn hóa không chỉ là một khái niệm đơn thuần, mà còn là một yếu tố cốt lõi trong việc định hình hình ảnh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp và ngay cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành công trong việc sử dụng sức mạnh mềm để gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.
Đối với Việt Nam, với bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, chúng ta có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh này nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, mục tiêu của Chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa" không chỉ là nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hóa, mà còn là tạo nên một diễn đàn để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, xác định các chiến lược cụ thể và đề xuất những giải pháp khả thi nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa.
"Tôi hy vọng rằng tại đây, chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở việc thảo luận mà còn có những hành động cụ thể, thiết thực, đề ra những giải pháp mới mẻ, giúp phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập quốc tế", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ.

Ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội phát biểu.
Theo ông Franck Bolgiani, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, sức mạnh mềm là khái niệm quan trọng mà quốc gia nào cũng muốn phát triển. Sức mạnh mềm cần được phát triển dựa trên bản sắc chứ không phải là học theo các quốc gia khác. Ông Franck Bolgiani cũng cho biết, Viện Pháp tại Hà Nội mong muốn đồng hành cùng Việt Nam thúc đẩy công nghiệp văn hóa và sáng tạo như các ngành hoạt hình, sách, truyện tranh, các buổi biểu diễn trực tiếp...
Chia sẻ về lợi ích và hạn chế của khái niệm sức mạnh mềm văn hóa đối với Việt Nam và toàn cầu, TS. Frédéric Martel, nhà văn, giảng viên từ Đại học ZHdK, Zurich cho rằng, sức mạnh mềm có thể ở bất cứ đâu, Việt Nam đã có những sản phẩm thể hiện sức mạnh mềm văn hóa, tạo ảnh hưởng trên trường quốc tế như các món phở, bún chả. Hay gần đây có thể kể đến như MV ca nhạc Bắc Bling, bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đang tạo sức hút lớn.

TS. Frédéric Martel, nhà văn, giảng viên từ Đại học ZHdK, Zurich chia sẻ về lợi ích và hạn chế của khái niệm sức mạnh mềm văn hóa đối với Việt Nam và toàn cầu.
Nói về những kinh nghiệm của Pháp trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa, ông Frédéric Martel cho rằng, Việt Nam cần tận dụng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của mình để tạo ra những sản phẩm văn hóa hấp dẫn, có sức lan tỏa, tạo ảnh hưởng trên thế giới.
Ông Frédéric Martel cũng lưu ý văn hóa là một sản phẩm đặc thù cần có sự bảo vệ, điều tiết để chống lại những tác động bất lợi của quy luật thị trường.
Chia sẻ về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định, Việt Nam có cơ hội phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
Từ công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã đề cao văn hóa trong phát triển bền vững. Sau đổi mới đã từng bước hình thành khung chính sách có khả năng chuyển hóa tài nguyên mềm văn hóa và thành tố văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua các kênh truyền dẫn khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, sự phối hợp giữa các kênh truyền thông, ngoại giao văn hóa và một số ngành công nghiệp văn hóa đã từng bước tạo nên sức lan tỏa của hình ảnh quốc gia, thương hiệu địa phương và bản sắc Việt Nam. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa chưa phát huy được hết khả năng chuyển đổi từ các nguồn tài nguyên và thành tố thành sức mạnh mềm văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, Việt Nam cần chuyển hóa tài nguyên mềm văn hóa qua kênh truyền dẫn phù hợp tạo sức hấp dẫn, thu hút trong quan hệ quốc tế. Mục tiêu tổng thể là bảo vệ bản sắc, xây dựng thương hiệu, tăng sức hút, quảng bá hình ảnh, nâng cao cạnh tranh và vị thế quốc gia.
Tại buổi đối thoại, các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đã thảo luận, trao đổi về vai trò, vị trí của trong sự phát triển của quốc gia, cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế.

TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu bế mạc.
Phát biểu bế mạc chương trình đối thoại, TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định, từ những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các diễn giả, chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về cách thức mà các quốc gia khác đã thành công trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa của họ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác và phát huy sức mạnh văn hóa là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta đạt được những mục tiêu đó.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
"Tôi hy vọng rằng, mỗi quý vị sẽ là một phần của những nỗ lực này để chúng ta cùng nhau xây dựng một chiến lược bền vững nhằm khai thác tối đa tiềm năng mà văn hóa Việt Nam đang sở hữu", TS. Hoàng Thị Bình bày tỏ./.