Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Thay đổi tư duy nhận thức để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay
01/11/2024 | 15:13Với vai trò nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược, triển khai hoạt động khoa học về văn hóa, nghệ thuật, gia đình, văn hóa trong du lịch, văn hóa trong thể thao, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VHNTQGVN) đã và đang chuyển mình, thay đổi tư duy sáng tạo và nhận thức để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú, được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, sưu tầm và xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa còn dàn trải, thiếu tính hệ thống và khoa học. Do đó, chuyển đổi số được xem là nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển ngành. Với mục tiêu bảo tồn, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên văn hóa, đáp ứng nhu cầu về nghiên cứu, học tập, giảng dạy và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của mỗi quốc gia.
Những kết quả đạt được trong xây dựng cơ sở dữ liệu
Viện VHNTQGVN là đơn vị sự nghiệp khoa học, trực thuộc Bộ VHTTDL, có chức năng nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược, triển khai hoạt động khoa học về văn hóa, nghệ thuật, gia đình, văn hóa trong du lịch, văn hóa trong thể thao, đào tạo sau đại học về văn hóa, nghệ thuật và văn hóa du lịch. Với vai trò và nhiệm vụ được giao, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã và đang chuyển mình, thay đổi tư duy sáng tạo và nhận thức để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Những năm qua, Viện đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước, số hóa và cung cấp thông tin về văn hóa, nghệ thuật quốc gia trên môi trường mạng Internet, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa nhằm chuyển tải những thông điệp văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển bền vững. Các CSDL chung đã được quan tâm xây dựng như: Số hóa các CSDL di sản văn hóa phi vật thể từ các thiết bị cũ để chuyển sang lưu trữ và khai thác trên môi trường Internet (các dạng như video clip...); Xây dựng CSDL về cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hệ thống tạo lập CSDL, cho phép quản lý, thống kê, báo cáo dữ liệu liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện; Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý về đào tạo (sau đại học) và hệ thống phần mềm quản lý khoa học; Xây dựng hệ thống Cổng thông tin điện tử và các cổng thành phần của Viện; Thư viện phần mềm mã nguồn mở Koha; Hệ thống phần mềm thư viện điện tử của Viện.
Viện VHNTQGVN là một trong những đơn vị tiên phong trong việc bảo tồn Di sản văn hóa Phi vật thể (DSVHPVT) bằng việc thu thập tài liệu văn bản, ghi hình, ghi âm các tư liệu hình ảnh động về các loại hình văn hóa. Từ năm 1997, Viện được giao quản lý và thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và sau này là một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển Văn hóa. Sau hơn 25 năm thực hiện Chương trình, một khối lượng lớn dữ liệu hình ảnh động, tĩnh, báo cáo khoa học về DSVHPVT các dân tộc Việt Nam đã, đang được lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu Di sản văn hóa và Trung tâm Thông tin, Thư viện của Viện.
CSDL được phân theo loại hình di sản bao gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian; Nghề thủ công truyền thống. Các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia…bước đầu đã cập nhật trên hệ thống website của Viện.
Năm 2020 -2021, Viện VHNTQGVN được Bộ VHTTDL cho "Bổ sung, nâng cấp Hệ thống trang thiết bị lưu trữ và chia sẻ dữ liệu số về Nghiên cứu khoa học và Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể Việt Nam" từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và bảo tồn di sản văn hóa. Từ kết quả của dự án này, Viện đã được nâng cấp, bổ sung một hệ thống máy chủ quản lý và lưu trữ dung lượng lớn, hệ thống máy trạm phục vụ số hóa tài liệu và băng từ, phần mềm quản lý đa phương tiện phục vụ cho việc tra cứu, tìm kiếm, khai thác dữ liệu.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu chung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Cũng năm 2021, Viện chính thức ra mắt nền tảng trực tuyến "Phát triển cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể và nội dung số ở Việt Nam trên trang web ichLinks". Đây là không gian chung để cung cấp, quảng bá các ấn phẩm, dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể tới khán giả toàn cầu. Sản phẩm khoa học: video, ảnh, báo cáo khoa học của 07 hồ sơ mà Viện đã xây dựng thành công, được dịch ra Tiếng Anh để đăng tải lên trang Ichlinks. Quá trình tham gia vào hệ thống ichLinks sẽ giúp cho Việt Nam quảng bá rộng rãi hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia trên nền tảng kỹ thuật số của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước trên thế giới.
Năm 2022 - 2023, dự án "Xây dựng và triển khai phần mềm thư viện điện tử và Dự án số hóa tài liệu phục vụ thư viện điện tử" đã được Bộ phê duyệt. Trong phần mềm thư viện điện tử xây dựng các tổ hợp CSDL như Sách, Bài trích, Luận án, Đề tài, Đề tài Phi vật thể, nhưng hầu hết các CSDL này mới chỉ dừng lại ở dạng thư mục với gần 75,000 biểu ghi thư mục. CSDL Sách và Bài trích, nội dung bao quát vào tất cả các lĩnh vực từ: lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…. Riêng CSDL đề tài dự án Phi vật thể với hơn 700 đề tài thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã số hóa bước đầu các báo cáo khoa học và nhập dữ liệu trên phần mềm Thư viện điện tử của Viện.
Ngoài ra, Viện cũng đã xây dựng được CSDL sách với hơn 7700 biểu ghi, tập trung vào lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật và mới chỉ ở dạng biểu ghi thư mục nhưng người dùng có thể tra cứu CSDL này trên phần mềm thư viện của Viện ở bất cứ đâu khi có hệ thống mạng. Trước đây việc quản lý CSDL bằng phần mềm mã nguồn mở Koha, nhưng từ năm 2023, phần mềm Thư viện điện tử đã được đưa vào thay thế và sử dụng. Hiện nay phần mềm thư viện điện tử của Viện đã hỗ trợ hoàn toàn việc tự động hóa các khâu nghiệp vụ về thông tin thư viện, góp phần tạo lập nên bộ máy tra cứu, phục vụ các nhu cầu tra cứu khác nhau. Hệ thống phần mềm thư viện điện tử đã kế thừa, sử dụng tối đa về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm cơ sở dữ liệu đã có, đáp ứng các yêu cầu của hệ thống thư viện điện điện tử hiện đại, mang tính chuyên ngành nhằm phục vụ các nhu cầu quản lý của đơn vị. Cuối năm 2023, Viện đã bước đầu số hóa hơn 150 đầu sách nội sinh do Viện xuất bản hoặc hợp tác xuất bản, số sách này mới chỉ ở dạng lưu trữ, chưa có kế hoạch đưa ra phục vụ bản toàn văn.
Một số hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về văn hóa tại Viện còn bộc lộ một số hạn chế như: việc xây dựng CSDL còn ở dạng thông tin thư mục, việc số hóa để tạo lập CSDL chuyên ngành mới chỉ tập trung vào mảng đề tài dự án văn hóa phi vật thể, còn mảng về văn hóa vật thể chưa có kế hoạch tạo lập, thông tin cập nhật chưa đầy đủ. Ngoài ra, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu đã số hóa về di sản văn hóa phi vật thể chưa thực hiện, mới đang ở dạng lưu trữ và phục vụ nội bộ, bởi liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề bảo mật và quy định của đơn vị.
Việc xây dựng CSDL là một quá trình phức tạp, đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao, có trình độ công nghệ thông tin nhưng còn thiếu cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; nguồn kinh phí chi thường xuyên cho việc số hóa còn hạn chế. Vì vậy, cần có sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng trong việc chuyển đối số và cần có sự đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực và đồng bộ hóa dữ liệu.