Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Văn minh lễ hội phải dần dần trở thành ý thức của người dân

11/01/2017 | 15:39

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 được Bộ VHTTDL tổ chức chiều 10/1/2017 tại Hà Nội.



Theo đánh giá chung của Cục Văn hóa cơ sở, công tác lễ hội năm 2016 đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, một số những tồn tại, hạn chế của các mùa lễ hội cũ vẫn chưa được khắc phục.

Trong năm 2016, Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương phát hiện và tịch thu 29.200 tờ tử vi, 22 cuốn sách bói toán; Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hện trục lợi, lừa gạt khách tham quan, mê tín dị đoan, cờ bạc; Thanh tra Sở VHTT tỉnh Kiên Giang lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa phục vụ Lễ hội kỷ niệm 148 năm ngày sinh anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực như trò chơi điện tử, bán dạo trò chơi...



Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng đã thẳng thắn nêu lên các địa điểm lễ hội để xảy ra sai phạm. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu mà không phải lễ hội truyền thống của địa phương. Bên cạnh yếu tố bạo lực, tại một số lễ hội vẫn còn xảy ra các hiện tượng mang tính phản cảm trong lễ hội, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền, tiền giọt dầu không đúng nghĩa quy định, hiện tượng ăn mặc phản cảm trong lễ hội gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường một số di tích chưa tốt, rác thải chưa được thu gom kịp thời; chất lượng các nhà vệ sinh về cơ bản chưa đạt chuẩn, thậm chí một số di tích có nguồn thu lớn, lượng khách đông, nhà vệ sinh đã xây dựng từ lâu, đến nay xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng không đảm bảo như như Đền Bà Chúa Kho, Đền Và, Đền Đức Thánh Cả…

“Ba nhà” bắt tay xây dựng văn minh lễ hội

Theo TS. Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, thực tế, bất cập trong lễ hội ngày càng giảm, những nét đặc sắc lễ hội dân gian ngày càng được phát huy.



Bộ trưởng chủ trì Hội nghị


Qua nhiều năm nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, TS Lê Thị Minh Lý cho rằng: “Lễ hội nào mà vai trò của cộng đồng tốt thì lễ hội ấy được tổ chức tốt. Lễ hội nào mà cán bộ quản lý địa phương hiểu biết sâu sắc về văn hóa, kết nối chặt chẽ với cộng đồng thì ở đó, lễ hội được tổ chức tốt”.

TS Lê Thị Minh Lý cũng chỉ ra có nhiều yếu tố khiến lễ hội đang có nhiều biến đổi. “Không gian lễ hội chật hẹp, lượng người tham gia lễ hội đông vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ…BTC lễ hội rút kinh nghiệm từ nhiều năm tổ chức để có kế hoạch, các phương án tổ chức linh hoạt, hiệu quả để những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa sẽ từng bước giảm đi và cuối cùng sẽ giải quyết được dứt điểm”- TS Lê Thị Minh Lý nhận định.

Bên cạnh đó, theo TS Lê Thị Minh Lý, không thể tách rời ba yếu tố cộng đồng, nhà khoa học và cơ quan quản lý trong việc tổ chức lễ hội. Đây là mô hình chặt chẽ để đảm bảo lễ hội phát huy giá trị tốt đẹp, không sai lệch.

Nhiều địa phương cũng đã có cách làm hay như Nghệ An, nhờ đó có bước tiến rất rõ rệt trong tổ chức, quản lý lễ hội, bảo đảm nét truyền thống của cả phần lễ và hội. Theo đại diện Sở VHTTDL Nghệ An, những năm về trước có báo chí còn phản ánh những mặt chưa tốt của lễ hội tại Nghệ An, nhưng với năm 2016 thì tuyệt nhiên không có. Đó là nhờ sự quyết liệt vào cuộc của cơ quan quản lý địa phương.

Theo đại diện sở VHTTDL Nghệ An, tỉnh cũng có lễ hội của đồng bào dân tộc ở miền núi Nghệ An có tục đâm trâu nhưng năm vừa qua đã ngừng tục này, không tổ chức lễ hội nữa.

Đặc biệt, địa phương ngày càng phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tham gia đóng góp trong các lễ hội. Nhận thức của chính quyền ngày càng sâu sắc về vai trò của cộng đồng trong bảo tồn các lễ hội truyền thống. Tỉnh cũng ban hành quyết định quản lý thu và chi tiền công đức trong năm 2016 một cách công khai, minh bạch được người dân đồng thuận cao. Theo đó, nguồn công đức ngoài các khoản chi truyền thống như trước nay, còn được chi cho nguồn bảo tồn và tôn tạo của tỉnh, những di tích nào có nguồn thu trên 1 tỉ sẽ đóng góp vào quỹ bảo tồn tôn tạo di tích, di sản của tỉnh. Nghệ An cho phép nguồn công đức các địa phương được phép chi, trích lại 10 % cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, nguồn công đức ngày càng minh bạch hơn, năng động hơn, nhân dân cũng tin tưởng, ủng hộ hơn.

Đánh giá cao các địa phương trong công tác tổ chức lễ hội năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, lễ hội là di sản văn hóa, là nơi sinh hoạt, lưu lại giá trị truyền thống tốt đẹp. Mỗi lễ hội có giá trị văn hóa riêng, chứa đựng trong đó tinh thần nhân văn, uống nước nhớ nguồn, hướng tới khát vọng tốt đẹp, quốc thái dân an, cầu mong những điều tốt lành để mỗi người trong cộng đồng có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Lễ hội là nơi con người về với cội nguồn, lịch sử, quê hương, cha ông, hòa hợp tự nhiên, vạn vật và lễ hội bao giờ cũng gắn với di tích, bảo tồn, phục dựng di sản tốt đẹp.


Bộ trưởng trao Bằng khen cho đại diện các địa phương


Vì vậy, việc tổ chức lễ hội, theo Bộ trưởng, cũng cần hướng đến giá trị kinh tế, du lịch. “Nhiều địa phương tổ chức lễ hội để thu hút nhiều khách du lịch là rất cần thiết và chính đáng. Việc tổ chức lễ hội để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội nhưng cũng cần trên cơ sở tổ chức phát triển kinh tế. Đó là điều rất cần thiết”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, năm 2016 công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã đạt được nhiều kết quả, có chuyển biến, xu hướng ngày một tốt lên, công tác tổ, chức quản lý tốt hơn, sự vào cuộc của chính quyền, người dân và sự thay đổi nhận thức của cộng đồng. Công tác tổ chức lễ hội dần dần đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, bên cạnh tiến bộ cũng còn tồn tại hạn chế trong công tác tổ chức quản lý lễ hội. Hiện tượng thương mại hóa lễ hội, làm biến tướng lễ hội. Theo Bộ trưởng, cần tuyệt đối ngăn chặn hiện tượng này và đề nghị các địa phương phải quản lý thật tốt, tuyệt đối không cấp phép cho những lễ hội như vậy.Vơi những lễ hội còn yếu tố bạo lực, cần tổ chức đối thoại với cộng đồng, các nhà khoa học phải vào cuộc để tình trạng bạo lực, phản cảm phải dần dần được loại bỏ.

Với vấn đề vệ sinh môi trường, Bộ trưởng cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, cần xã hội hóa mạnh mẽ công tác vệ sinh môi trường tại các điểm di tích tổ chức lễ hội để tăng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, luôn đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo, vấn đề an ninh an toàn rất quan trọng, dù các mùa lễ hội đều chưa xảy ra điều gì nhưng nguy cơ là rất cao. Vì thế các cơ quan quản lý phải luôn ý thức, tìm hiểu, phát hiện và nhanh chóng có biện pháp ứng phó. Bộ trưởng đề nghị, sau hội nghị này, mùa lễ hội 2017 phải tốt hơn mùa lễ hội 2016 ở tất cả các mặt./.
Bài: Dạ Minh, ảnh: Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×