Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Trưng bày chuyên đề về quê hương, dòng họ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo

13/10/2017 | 14:44

Gần 100 tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật cùng nhiều hiện vật nhằm giúp người xem hình dung thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, các nhà khoa bảng họ Nguyễn Đăng và truyền thống hiếu học của dòng họ…

Một góc trưng bày. (Ảnh: Hoàng Minh)

Trưng bày chuyên đề về quê hương, dòng họ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo và Truyền thống khoa bảng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh” được Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức ngày 13/10 nhân kỷ niệm 334 năm ngày Đại đăng khoa (1683-2017), 366 năm sinh của ông (1651-2017) và hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).

Trưng bày được chia thành ba chủ đề chính, thể hiện qua 8 tấm pa-nô có chú thích và thuyết minh. Chủ đề thứ nhất: “Quê hương, dòng họ của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo”. Các tài liệu, hình ảnh về đình, chùa, lễ hội được sưu tầm tại xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã phản ánh nét nổi bật và đặc sắc trong truyền thống văn hiến của quê hương Kinh Bắc và những di sản còn để lại trên quê hương Liên Bão, Tiên Du - quê hương của Trạng Bịu. Những điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người vùng đất Kinh Bắc và truyền thống gia đình là môi trường hình thành nên nhân cách Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Bên cạnh đó, những hình ảnh về Bịu Thượng - quê hương của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đã gợi mở nên không gian văn hóa - nơi không chỉ có những làn điệu quan họ du dương mà còn là làng khoa bảng gắn liền với tên tuổi của 5 vị đỗ Đại khoa và 20 vị đỗ Trung khoa của dòng họ Nguyễn Đăng. Những đóng góp của nhiều thế hệ Nguyễn Đăng đối với quê hương, đất nước đã góp phần làm nên danh tiếng của dòng họ, xứng đáng là một trong “tứ gia vọng tộc” của xứ Kinh Bắc.

Chủ đề thứ hai:“Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo - Con người và sự nghiệp”: Giới thiệu các tài liệu được chọn lọc từ khối tài liệu lưu trữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Dòng họ Nguyễn Đăng,... phản ánh chân thực nhất về cuộc đời, sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Cuộc đời làm quan của ông chính thức bắt đầu sau khi đỗ Trạng nguyên năm Quý Hợi (1683). Tấm bia về khoa thi này hiện còn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các di sản văn hóa liên quan tới Trạng Bịu ở Hoài Thượng như nhà thờ, hoành phi “Lưỡng quốc Trạng nguyên”... đều được thể hiện tại chủ đề này. Đó là những di sản văn hóa hiện còn, cho thấy những công lao của ông đã được ghi nhận, hậu thế đời đời kính trọng, tôn thờ. Về trước tác, hiện ông còn 8 bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”, 2 bài thơ Nôm (1 bài ghi trong gia phả họ Nguyễn Đăng, 1 bài ghi trong gia phả dòng họ TS. Đặng Đình Tướng) 6 bài văn bia và nhuận 4 bia, 1 chuông.

Ảnh: Hoàng Minh

Chủ đề thứ ba: “Truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Đăng” tập trung giới thiệu hình ảnh về hoạt động tế lễ thường niên, khuyến học, lễ báo công nhận bằng Giáo sư, Tiến sĩ,... tại các nhà thờ chi họ Nguyễn Đăng đã cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh, của hậu duệ dòng họ Nguyễn Đăng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của cha ông để lại. Qua đó, khuyến khích con cháu phấn đấu học tập, tu dưỡng thành những người có ích, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Với bố cục làm ba phần, thông điệp của cuộc trưng bày mang đến cho người xem một cái nhìn khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo và truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh.

Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo sinh vào mùng 2 tháng 3 năm Tân Mão niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1651), mất ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), quê ở Hoài Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con trai thứ hai của Tiến sĩ, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Đăng Minh, em Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân, cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Nguyễn Đăng Đạo sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa xứ Kinh Bắc, lại được thừa hưởng một truyền thống hiếu học, khoa bảng của gia đình và dòng họ, cho nên, ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học.

Nguyên Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×