Văn hoá cần được đầu tư với vai trò là một ngành kinh tế trọng yếu
04/02/2019 | 19:08Đầu tư cho văn hoá không chỉ mang lại giá trị bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống mà còn mang lại nguồn thu không nhỏ cho các địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
Nguồn thu lớn từ di sản
Chưa tính tới các lĩnh vực khác của văn hoá, riêng di sản hiện nay đã mang lại nguồn lực kinh tế lớn cho việc phát triển kinh tế, xã hội khác của các địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, hiện nay, Việt Nam có 3.500 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt, trên 62.000 di sản phi vật thể đã được kiểm kê và có 26 di sản vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Về việc phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, chỉ riêng với 8 di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận, trong năm 2017 đã đón 16 triệu khách (7 triệu khách quốc tế), thu hơn 2.500 tỉ đồng. Trong năm 2017, chỉ riêng thu từ tiền bán vé, Vịnh Hạ Long đã thu 1.100 tỷ đồng, trong khi Nhà nước đầu tư có 50 tỷ; Quần thể cố đô Huế thu 320 tỉ, ngân sách đầu tư 47 tỉ đồng; Khu phố cổ Hội An thu 219 tỉ, ngân sách đầu tư 17 tỉ.
"Ký ức Hội An" đem đến một chương trình nghệ thuật đặc sắc, tăng thêm sản phẩm cho khách du lịch khi tới Hội An, Quảng Nam. Ảnh minh họa
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, việc thu từ phát triển du lịch di sản rất lớn, chưa kể thu từ lưu trú, đi lại ăn uống…
Việc bảo tồn di sản hiện nay vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa có nguồn thu ngân sách.
Trên cơ sở Chiến lược và các quy hoạch đã được phê duyệt, ngành du lịch cũng đang tập trung khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dựa trên 4 sản phẩm chủ đạo mà Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh như du lịch văn hóa, di sản; Du lịch sinh thái; Du lịch nghỉ dưỡng biển và Du lịch đô thị.
Trong báo cáo năm 2018 của Chính phủ cũng đã nêu rõ, việc đầu tư phát triển sản phẩm, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật theo định hướng tập trung, đồng bộ, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam. Hiện khách quốc tế tới Việt Nam hàng năm tăng từ 25-30%.
Văn hóa phải được coi là một bộ phận của nền kinh tế
Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế. Phát biểu trước Quốc hội về phân bổ ngân sách nhà nước, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho hay, về chi chính sách, nhiều nội dung chi nhưng quy mô ngân sách hạn chế, ví dụ các nội dung chi cho lĩnh vực văn hóa của Bộ VHTTDL quản lý năm 2018 chỉ có 4,2 tỷ đồng. Các nội dung liên quan đến giảm thiểu hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới cũng rất quan trọng nhưng ngân sách cũng chỉ quy định khoảng 10 tỷ đồng…
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cũng đã nêu lên hiện trạng về bảo trì kinh thành Huế. Theo ĐB này, ước tính kinh phí di dời hơn 4.200 hộ dân tại Huế sẽ cần khoảng 1.800 tỷ đồng từ năm 2019 đến 2022. Nếu không làm gấp áp lực sẽ càng lớn khi dân số tại đây ngày một tăng nhanh, dự kiến sẽ tăng lên 5.000-6.000 hộ trong vài năm tới.
Trong khi đó, mức độ đầu tư duy tu bảo trì cho khu di tích rất hạn chế. Một thống kê cho hay, trong 25 năm qua nguồn đầu tư cho bảo tồn mới chỉ đạt khoảng 1.600 tỷ, gồm 40% là ngân sách và 60% còn lại là kinh phí địa phương và nguồn hỗ trợ khác.
Thực tế, như dẫn chứng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu trong đầu bài viết, đầu tư cho công tác bảo tồn di tích du lịch mang lại hiểu quả rất lớn khi di tích kinh thành Huế đang mang lại cho tỉnh nhiều hiệu quả kinh tế. Từ năm 1993, mới chỉ có khoảng 243.000 khách du lịch tới Huế thì con số này đã tăng lên hơn 3 triệu vào năm 2017, trong đó 1,8 triệu là khách quốc tế, riêng doanh thu từ vé thăm quan đã đạt trên 320 tỷ đồng năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 370 tỷ vào năm 2018.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cũng đã có những chia sẻ về vấn đề này. Theo ĐB Hoàng Thị Hoa, đổi mới đầu tư cho văn hóa, quan tâm phát triển công nghiệp sáng tạo, các nhà kinh tế học hiện nay nhìn chung đã thống nhất quan điểm cho rằng tri thức là đầu vào cơ bản của sản xuất và của nền kinh tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa. Ảnh: Nam Nguyễn
ĐB Hoàng Thị Hoa cho rằng, trong số các nguồn lực của sức mạnh mềm, văn hóa có vai trò quan trọng. Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm năng và vị thế, tầm vóc của một dân tộc. Công nghiệp sáng tạo đòi hỏi phải thay thế tư duy cũ khi coi văn hóa chỉ nhận sự trợ cấp chứ không phải một ngành kinh tế có đầu tư sinh lợi nhuận. Do đó, văn hóa phải được coi là một bộ phận của nền kinh tế, bởi vậy các quốc gia trên thế giới đã và đang thay đổi tư duy về quản lý, đề ra những chính sách phát triển văn hóa.
Trong chính sách đó, văn hóa được đầu tư với vai trò là một ngành kinh tế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của đất nước. Đổi mới tư duy về văn hóa sẽ đưa đến việc đầu tư có chính sách cụ thể, chiến lược nhằm phát triển kinh tế thông qua văn hóa. Lĩnh vực văn hóa không còn là lĩnh vực xếp cuối cùng trong danh sách đầu tư và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách.
Năm 2016 Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, là bước chuyển về thể chế quan trọng trong tiến trình phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo.
Theo ĐB Hoàng Thị Hoa, sự phát triển này chỉ thực hiện khi có cả ba yếu tố, đó là chính sách, vai trò sáng tạo của nghệ sĩ, tổ chức văn hóa nghệ thuật, sự phát triển của các doanh nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng nguồn lao động có tri thức, có kỹ thuật, có tay nghề và xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội./.