Tưng bừng khai mạc Ngày thơ Việt Nam
02/03/2018 | 16:26Sáng 2/3, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI năm 2018 đã chính thức khai mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Tham dự lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI có các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo: Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Bùi Thế Đức – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện sĩ, tiến sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng đông đảo các văn nghệ sĩ và người yêu thơ.
Toàn cảnh lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2018. Ảnh: Gia Linh
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI được tổ chức trong cả nước đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm bài thơ "Nguyên tiêu" bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng là một hình thức thể nghiệm để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn chương Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.
Nhà thơ Hữu Thình phát biểu khai mạc ngày thơ. Ảnh: Gia Linh
Diễn ra trong 04 ngày từ 27/2 - 2/3 (tức từ 12 - 15 tháng Giêng) , Ngày thơ Việt Nam năm nay có chủ đề “Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước”, hướng người cầm bút tới việc đồng hành với những vấn đề sống còn của dân tộc, của nhân dân; với người lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhất là những con người đang đứng ở "đầu sóng, ngọn gió" bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc.
Ngày thơ Việt Nam năm 2018 diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Đây cũng là năm đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Bên cạnh đó, Ngày Thơ Việt Nam năm nay còn có sự tham gia của 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Nhật Bản và sự tham gia của 60 câu lạc bộ thơ với các hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ... Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, Ban tổ chức thực hiện triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...
Triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Gia Linh
Đặc biệt, nếu một số năm trước, biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam là con hạc, chiếc nón… thì năm nay, “cánh buồm thơ” là phương án trưng bày và cũng là biểu tượng của Ngày thơ. Biểu tượng này cũng tượng trưng cho sức sống, sự phát triển của thi ca Việt Nam gắn với sự phát triển của đất nước, dân tộc./.
Gia Linh
Việc chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ vẫn được giữ nguyên. Đây đều là những câu thơ hay, đại diện cho các thế hệ, khuynh hướng, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng đất nước, nhất là những vấn đề xã hội đang quan tâm.
Trước đó, trong hai ngày 27, 28-2, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức 2 buổi hội thảo về thơ và văn xuôi với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” và “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Tại hai hội thảo này, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nghiên cứu đã tiếp tục đặt vấn đề đổi mới một cách toàn diện để mang đến những tác phẩm có giá trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức các “món ăn tinh thần” chất lượng ngày càng cao của công chúng. /.
Gia Linh