Truyền thông đóng góp vai trò lớn trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
18/11/2019 | 21:22Chiều 18/11, tại Đồng Mô (Sơn Tây), Ban Quản lý Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức buổi Tọa đàm truyền thông với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, dân tộc.
Truyền thông có vai trò lớn đối với di sản
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam trở thành vấn đề thực tiễn quan trọng, cần quan tâm giải quyết trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần củng cố, nâng cao khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo bà Ánh, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa hết sức mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay, chung sức của nhiều cấp, nhiều ngành trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông.
Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nông Quốc Thành khẳng định, truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Vai trò đặc biệt này được thể hiện ở chỗ "sức mạnh", sự ảnh hưởng của truyền thông trong xã hội ngày nay và mối quan hệ giữa truyền thông với di sản văn hóa.
Ông Thành cho rằng, nhờ có truyền thông, nhiều di sản của Việt Nam được bạn bè trên thế giới biết nhiều hơn. Từ đó ngày càng có nhiều khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam. Cũng nhờ truyền thông, nhiều bất cập, lỗ hổng trong quản lý về di sản được phản ánh để tìm hướng tháo gỡ.
Nói về vấn đề này, Nhà báo Phạm Vũ Dũng – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật cho rằng, truyền thông đã cho thấy sức mạnh vượt trội trong thông tin, tuyên truyền và quảng bá về văn hóa. Cùng đó, truyền thông cũng phản ánh chân thực các vấn đề lên quan đến di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống.
Cần có giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức, ứng xử với di sản văn hóa
Nhà báo Phạm Vũ Dũng nhận định, ở khía cạnh nào đó, truyền thông vẫn còn những bất cập như dung lượng, thời lượng dành cho di sản văn hóa còn khiêm tốn. Một số cơ quan truyền thông chưa thực sự quan tâm trong việc bảo vệ di sản văn hóa hoặc bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, chiều theo thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết, hiện nay, nước ta có 868 cơ quan báo chí, 67 đài truyền hình. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung truyền thông về chủ đề này một cách đa dạng, phong phú và sinh động hơn.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi cho rằng, trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, mạng xã hội là một phần thiết yếu cho các chiến dịch về truyền thông. Do đó, cần có những chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, văn hóa của người dùng mạng xã hội nhất giới trẻ để thay đổi hành vi, nhận thức, thái độ ứng xử với di sản văn hóa.
Đồng thời, cần chú trọng công tác đào tạo kỹ năng truyền thông cho nhà báo, phóng viên chuyên viết về lĩnh vực văn hóa, di sản. Ngoài ra, các cơ quan trong lĩnh vực Văn hóa cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí để làm đa dạng, kịp thời các nội dung tuyên truyền.