Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trường nghề - lối rẽ triển vọng

13/09/2017 | 11:30

Một bản cam kết việc làm với mức thu nhập tương ứng sau khi tốt nghiệp hoặc hoàn trả phí đào tạo nếu không đúng cam kết… là cách làm của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Hướng đi này không chỉ bảo đảm một lối rẽ đầy triển vọng cho người học mà còn giúp các trường nghề khẳng định vị thế, thương hiệu của mình nói riêng và giáo dục nghề nghiệp nói chung.

Không thể cứ học rồi để đấy!

Gặp chị Trần Thị Hưng - người vừa quyết định cho hai con sinh đôi 15 tuổi nhập học ngành pha chế và nấu ăn tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội mới thấy, đào tạo nghề đã tìm được chỗ đứng của mình trong lòng phụ huynh và học sinh. Chị Hưng cho biết, ngay từ khi Trịnh Anh Tân và Trịnh Anh Tiến học lớp 6, Trường THCS Láng Thượng, chị và gia đình đã bắt đầu suy nghĩ đến việc cho các con học tiếp lên đại học hay dừng lại ở cấp hai rồi học nghề. Bởi, theo chị Hưng, “dù gia đình hoàn toàn lo được cho các con học đại học nhưng vì các cháu sinh nhẹ cân nên sức khỏe khó đáp ứng cho việc học lên cao. Song, quan trọng nhất, cả hai đứa rất hào hứng với việc học nghề!” - chị Hưng chia sẻ.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh thăm Khoa Động cơ ô tô, Trường Cao đẳng Viễn Đông

Quả thật, khi tới nhà chị Hưng, được trò chuyện với 4 thế hệ của cặp sinh đôi, chúng tôi đã rất ngạc nhiên và thán phục trước cách suy nghĩ hiện đại của cả gia đình. Từ chị Hưng - bà mẹ trẻ 34 tuổi đến hai cụ của các cháu, tuổi đã ngoài 90 đều cho rằng, có nhiều con đường để đi đến thành công, miễn sao con đường ấy phải phù hợp với khả năng và nguyện vọng của con trẻ, tránh học rồi để đấy, sẽ rất lãng phí. Còn Tân và Tiến hào hứng khoe, “học xong, chúng cháu sẽ được làm việc ngay, cơ hội để trở thành đầu bếp và nhà pha chế giỏi!”.

Còn Đặng Tấn Tài, thí sinh vừa nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 cho biết, điểm thi THPT của em có cơ hội vào trường ĐH nhưng em và gia đình đã chọn học nghề để sớm đi làm, thay vì kéo dài thời gian học tập và tăng chi phí cho gia đình. “Trước khi quyết định theo ngành công nghệ ô tô, em cũng tham khảo nhiều thông tin từ các trường và nhu cầu việc làm các doanh nghiệp thì thấy đây là nghề đang hot, thu hút nhiều thí sinh theo học từ bậc đại học đến hệ trung cấp” - thí sinh này cho biết.

Theo PGS.TS. Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ, TB -XH, việc các em tốt nghiệp THCS hoặc đủ điểm vào đại học nhưng chuyển sang học nghề không còn là chuyện hiếm. Dù tỷ lệ này chưa thực sự như mong muốn nhưng đó là những tín hiệu vui, cho thấy vị trí của đào tạo nghề đã được nâng lên trong nhận thức chung của xã hội. Điều này buộc những người hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề ngày càng phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng mong mỏi của người học cũng như bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Nhiều trường tuyển vượt kế hoạch đợt 1

Kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường đại học thiếu chỉ tiêu đã thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu ở nhiều ngành. Trong khi đó, các trường cao đẳng, trung cấp nghề có uy tín, số lượng thí sinh nhập học đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, ít nhất cũng từ 10% trở lên, thậm chí có trường đã tuyển đủ chỉ tiêu.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải cho biết, kết thúc đợt tuyển sinh lần thứ nhất năm nay, nhà trường đã tuyển được 1.400 học sinh đăng ký nhập học (chủ yếu là bậc cao đẳng); tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 3/4 kế hoạch tuyển sinh cả năm. Ông Khải cho biết thêm, tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, nhiều sinh viên đã đi làm bán thời gian ngay từ học kỳ thứ hai. Đến khi ra trường, doanh nghiệp đến đặt hàng nhà trường cũng không còn nhân lực để đáp ứng. Để phục vụ nhu cầu nhân lực hiện nay, trường đang đổi mới các chương trình theo hướng tăng thực hành, ngoại ngữ, tin học với sinh viên, bảo đảm đúng theo tiêu chí đào tạo nghề của Bộ LĐ, TB - XH.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn Ngô Thị Quỳnh Xuân thì phấn khởi cho biết, so với năm ngoái, năm nay trường cán mốc chỉ tiêu tuyển sinh sớm hơn. Các chỉ tiêu tuyển sinh đã kín từ đầu tháng 8. Hiện nay, trường đã thông báo ngưng nhận hồ sơ ba ngành quản trị khách sạn, quản trị lữ hành và hướng dẫn du lịch. Riêng hai ngành chế biến món ăn và quản trị khách sạn hệ trung cấp vẫn nhận hồ sơ đến hết tháng 8. “Đây là tín hiệu vui đối với trường nghề, dù mặt bằng điểm thi THPT năm nay cao hơn các năm trước, gây áp lực về nguồn tuyển sinh đối với các trường nghề. Thế nhưng nhiều trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, điều đó cho thấy phụ huynh, học sinh đã có sự nhìn nhận sát hơn về nghề nghiệp của con em mình” - bà Xuân chia sẻ.

Còn tại Trường Cao đẳng Viễn Đông, với phương châm lấy chất lượng đào tạo làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, nhà trường đã kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, đào tạo và cùng doanh nghiệp cam kết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Cũng chính bởi vậy, “dù mới kết thúc tuyển sinh đợt 1 nhưng trường đã gần cán mốc kế hoạch năm” - Hiệu trưởng Trần Thanh Hải cho hay./.

(Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×