Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: "Tỉ lệ có việc làm cao đã tạo sức hấp dẫn cho nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển"
23/10/2018 | 09:00Kết quả tuyển sinh với những con số gây chú ý, thành tích học tập của sinh viên chuyển biến hơn trong những năm vừa qua, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ… đó là những cố gắng để hướng đến xây dựng hình ảnh một Ngôi trường Văn hóa giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Tìm hiểu về những kết quả có được trong công tác đào tạo giảng dạy, cũng như những cố gắng của tập thể lãnh đạo, sinh viên nhà trường trong thời gian qua để đạt được kết quả này, PV đã thực hiện cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thu Hương, nữ Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Bà Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội
- Được biết trong năm học 2018-2019, trường ĐH Văn hóa Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường cao nhất từ trước tới nay, hơn 30.000 thí sinh, và nhà trường đã tổ chức Khai giảng năm học mới, chào đón 1.267 tân sinh viên Khóa 59 của trường. Xin Hiệu trưởng chia sẻ về kết quả này của nhà trường?
Đại học Văn hóa Hà Nội hiện đang đào tạo 14 ngành bậc đại học,3 ngành bậc thạc sĩ và 3 ngành bậc tiến sĩ. Hầu hết các ngành đào tạo như: Thông tin Thư viện, Bảo tàng học, Quản lý văn hóa, Gia đình học... được Trường tiên phong triển khai xây dựng chương trình và đưa vào giảng dạy ở Việt Nam. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm đầu ra sao cho đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng là kênh quảng bá tuyển sinh tốt nhất cho thương hiệu Đại học Văn hóa. Hơn nữa, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng đầu vào của sinh viên.
Chúng tôi cho rằng, chất lượng đào tạo đại học phụ thuộc phần lớn vào điểm đầu vào xét tuyển. Nếu các trường giảm điểm đầu vào xuống quá thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, trong những năm gần đây tuyển sinh là vấn đề khó khăn đối với nhiều cơ sở đào tạo đại học. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ngày càng tăng. Năm 2017, nhà trường có trên 18 nghìn lượt đăng ký xét tuyển và số lượng này tăng lên trên 30 nghìn trong năm 2018. Với số lượng nguyện vọng đăng ký như vậy, nhà trường có cơ sở để tuyển được đầu vào chất lượng tốt với nhiều ngành điểm chuẩn từ 21 đến 24,75 điểm.
- Điểm chuẩn vào trường năm nay khá cao, trong khi công tác tuyển sinh không gặp khó khăn như các trường khác đào tạo về nghệ thuật hay các trường đại học vùng gặp khó khăn về nguồn tuyển, bà có cho rằng đây là một thuận lợi của trường để nâng cao chất lượng đào tạo?
Thực tế là chất lượng đào tạo đại học phụ thuộc phần lớn vào điểm đầu vào xét tuyển. Nếu các trường giảm điểm đầu vào xuống quá thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, Nhà trường cũng ý thức được rằng, điểm chuẩn đầu vào cũng chỉ là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo bên cạnh những yếu tố khác như chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, học liệu và môi trường học tập rèn luyện cho sinh viên. Nếu có được cả 2 yếu tố: chất lượng đầu vào và quá trình đào tạo tốt, chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ cao.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chụp hình lưu niệm với thầy trò Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh: Đại học Văn hóa Hà Nội)
- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vừa tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2018-2019, xin Hiệu trưởng cho biết trong năm học này, kế hoạch đào tạo và nhiệm vụ chính của nhà trường gồm những gì?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia không chỉ cạnh tranh về kinh tế, về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà còn cạnh tranh về giáo dục. Điều này đã đặt ra một yêu cầu sống còn đối với nhà trường trong việc tìm chỗ đứng, khẳng định uy tín và hội nhập vào nền giáo dục toàn cầu. Một nội dung quan trọng trong công tác đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục chính là công tác kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng giáo dục giúp nhà trường có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định. Kiểm định chất lượng giáo dục là lời tuyên bố chắc chắn tới các bên liên quan về hiện trạng chất lượng của trường. Kiểm định chất lượng giáo dục tạo tiền đề xây dựng văn hoá chất lượng cho nhà trường. Vì vậy, “Kiểm định chất lượng giáo dục” được Trường Đại học Văn hóa Hà Nội xác định là chủ đề năm học 2018-2019.
- Hiệu trưởng có thể cho biết ngành nghề đào tạo nào của trường có đông sinh viên theo học nhất hiện nay?
Hiện nay trường đang đào tạo trên 7 nghìn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh thuộc 20 ngành ở các bậc học. Trong đó, ngành có số lượng sinh viên theo học đông nhất là ngành Du lịch và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Hai ngành này do Khoa Du lịch quản lý với trên 1600 sinh viên.
- Theo bà thì chương trình đào tạo hiện nay của trường được các sinh viên tiếp nhận ra sao?
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một trong những cơ sở sớm triển khai đào tạo theo mô hình tín chỉ. Hiện nay, chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, chương trình chính quy cũng như vừa làm vừa học đều được triển khai đào tạo theo mô hình tín chỉ.
Trong quá trình chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ nhà trường đã có nhiều cải tiến trong việc đánh giá, xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo. Hằng năm các chương trình này đều được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với chuẩn đầu ra, sự phát triển của khoa học kĩ thuật và nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, sinh viên của trường có cơ hội được tiếp cận với chương trình đào tạo hiện đại, có tính liên thông.
- Có một thực tế là sinh viên theo học trong các trường thường thiếu kiến thức thực tiễn dẫn đến khi tốt nghiệp, ra làm việc đều bỡ ngỡ trước những yêu cầu thực tế của các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng. Vậy Nhà trường có những chương trình cụ thể nào để gắn kết việc giảng dạy lý thuyết với thực tiễn?
Gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn được nhà trường xác định là mục tiêu đào tạo. Vì vậy, trong khi xây dựng, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo, nhà trường đều mời các bên liên quan, đặc biệt là đơn vị quản lý và nhà sử dụng lao động. Nhờ đó, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp hầu hết các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động.
Hơn nữa, để hội nhập sau hơn với yêu cầu tiêu chuẩn nghề nghiệp mang tầm quốc tế và khu vực, ngày 16/10 vừa qua Trường đã ký kết phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch với Công ty cổ phần Vinpearl, Tập đoàn VinGroup. Theo đó, Vinpearl sẽ hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có điều kiện được thực tập tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực du lịch thuộc sở hữu Vinpearl hoặc do Vinpearl quản lý và cơ hội được làm việc tại Vinpearl. Vinpearl sẽ phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện đào tạo để sinh viên thực hành tại các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch trong phạm vi cả nước để nâng cao kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm cho các sinh viên; Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên bao gồm các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng tương lai, chương trình Tour tham quan thực tế nghề nghiệp, chương trình học bổng, Câu lạc bộ thực tập sinh du lịch…
Sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội (ảnh: Đại học Văn hóa Hà Nội)
- Bà nhận định khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội như thế nào? Và tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra trường có công việc làm ngay chiếm bao nhiêu phần trăm?
Theo kết quả khảo sát của Trường, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và đáp ứng khá tốt các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của các nhà sử dụng lao động. Nhiều sinh viên du lịch, báo chí của trường đã nhận được việc làm ngay từ khi còn đang học năm thứ ba, thứ tư. Chính tỉ lệ việc làm cao đã tạo sức hấp dẫn cho nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường trong những năm gần đây.
- Xin trân trọng cảm ơn Hiệu trưởng đã tham gia trao đổi cùng chúng tôi!
Vân Khánh