Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ trọng tâm phục vụ công tác đào tạo

11/07/2018 | 12:00

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được Ban giám hiệu xác định là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất nhằm tổng kết thực tiễn, áp dụng vào giảng dạy, phục vụ công tác đào tạo trong Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

 

Những buổi thuyết trình của CLB các nhà Nghiên cứu trẻ - Đại học Văn hóa Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đạt nhiều thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Trong gần 60 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, tham gia hoạch định chính sách của Nhà nước về văn hóa và hội nhập quốc tế. Những thành tựu mà Nhà trường đạt được đã được Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá cao. Trường Đại học Văn hoá đã đạt được nhiều Bằng khen và Huân chương Lao động: Huân chương Lao động hạng Ba (1984), Huân chương Lao động hạng Hai (1989), Huân chương Lao động hạng Nhất(1994), Huân chương Độc lập hạng Ba (2004) và Huân chương Độc lập hạng Nhì (2014).

Để có được những thành tích trên, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được Nhà trường xác định là hoạt động quan trọng bậc nhất. Nghiên cứu khoa học để tổng kết thực tiễn, áp dụng vào giảng dạy, phục vụ công tác đào tạo. Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học có quy mô toàn ngành, toàn quốc, quốc tế. Các đề tài nghiên cứu của trường đã tiếp cận những vấn đề lý luận cơ bản về văn hoá truyền thống, đồng thời góp thêm tiếng nói vào việc nghiên cứu văn hoá hiện đại. Trường cũng đã mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học lớn và các tổ chức khoa học uy tín của nước ngoài, liên kết triển khai nhiều hoạt động hợp tác khoa học và đào tạo có hiệu quả.

Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm đều có những công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên được trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hai năm liền trường được Bộ Giáo dục- Đào tạo tặng Bằng khen là đơn vị “đạt thành tích cao trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học”.

Trong năm học 2017 – 2018, tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, lấy kết quả từ nghiên cứu quay lại phục vụ công tác đào tạo trong thực tiễn, Nhà trường đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học và đã đạt được một số thành tựu.

Trước hết, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên tiếp tục có được những thành tựu mới. Năm 2017 đã để lại dấu ấn với 2 sinh viên đạt giải ba giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” toàn quốc năm 2017 và 2 sinh viên đạt giải khuyến khính cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka” lần thứ 19 năm 2017. Vào cuối tháng 5/2018, Nhà trường tiến hành nghiệm thu 16 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, trong đó có 2 đề tài xuất sắc được gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình xét; 8 đề tài được gửi tham gia giải thưởng nghiên cứu khoa học Euréka.

Sinh viên Lê Văn Đại đạt giải ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2017.

Tạo dấu ấn thương hiệu về nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực văn hóa

Năm nay, Nhà trường thực hiện 5 đề tài NCKH cấp Bộ, 1 đề tài NCKH của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Đây là một dấu ấn mới, khẳng định năng lực nghiên cứu của cán bộ - giảng viên của Nhà trường; mặt khác thể hiện vị thế, thương hiệu về nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực văn hóa của Nhà trường.

Ngoài đề tài NCKH cấp Bộ, trong năm học 2017 – 2018, Nhà trường đã phê duyệt 10 đề tài giáo trình NCKH. Các đề tài này tạo điều kiện cho cán bộ - giảng viên Nhà trường có cơ hội nâng cao năng lực nghiên cứu, tổng hợp tri thức mới để có thể xây dựng thành những bài giảng, giáo trình phục vụ công tác đào tạo, cung cấp cho sinh viên những kiến thức cập nhật, căn bản về môn học và chuyên ngành theo học. Ngoài ra, trong năm học này, Nhà trường cũng đã xuất bản được 9 cuốn giáo trình với những kiến thức được hệ thống hóa và bổ sung nhiều tri thức mới để phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo sinh viên.

Nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật, ghi nhận các luận điểm khoa học mới, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để cập nhật chương trình đào tạo, Nhà trường và các Khoa trực thuộc đã tổ chức nhiều Hội thảo, tọa đàm khoa học. Năm nay, Nhà trường đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp trường: “Ý nghĩa và giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943”. Vào ngày 19/6/2018 vừa qua, Nhà trường tổ chức tọa đàm “Cuộc Cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch” để kịp thời cập nhật kiến thức mới nhất về Cách mạng công nghiệp 4.0 – cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi Nhà trường phải thích nghi, nắm bắt thời cơ để thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo, đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động và các yêu cầu đặt ra từ Bộ chủ quản.

Tọa đàm Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch.

Các khoa chuyên ngành cũng đã tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học liên quan tới lĩnh vực đào tạo với mục đích cao nhất là vận động, cập nhật chương trình đào tạo của khoa để công tác giảng dạy ngày càng thiết thực, hiệu quả, cung cấp cho sinh viên những kiến thức mới nhất nhằm đảm bảo chuẩn đầu ra từ kiến thức chuyên môn đến các kĩ năng nghề nghiệp, đạo đức…, đáp ứng những vận động, đòi hỏi mới của thị trường lao động. Tinh thần này được thấy rõ qua Hội thảo “Đổi mới đào tạo Ngành Quản lý Văn hóa” tổ chức bởi khoa Quản lý Văn hóa vào ngày 11/4/2018; Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành đạo diễn sự kiện” tổ chức bởi khoa Nghệ thuật đại chúng vào ngày 18/4/2018; Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng điều tra, nghiên cứu thực địa của giảng viên” tổ chức bởi khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số vào ngày 24/4/2018; Tọa đàm khoa học “Biến đổi cấu trúc gia đình - So sánh liên châu lục” tổ chức bởi Khoa Gia đình và Công tác xã hội, diễn ra vào ngày 04/5/2018 với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về văn hóa gia đình đến từ Cộng hòa Pháp; Hội thảo khoa học “Đào tạo cán bộ xuất bản, phát hành trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức bởi khoa Xuất bản – phát hành, diễn ra vào ngày 5/6/2018.

Trong bối cảnh hiện nay, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học ứng dụng là việc làm, hướng đi cần thiết. Khi đầu tư vào nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ tìm kiếm, thu hút và phát hiện ra được đội ngũ sinh viên, giảng viên giỏi, từ đó khẳng định uy tín, thương hiệu cho Nhà trường. Nghiên cứu khoa học cũng là cách thức để Nhà trường phát triển bền vững, tránh nguy cơ tụt hậu, đồng thời trở thành cơ sở để, nền tảng để phục vụ tốt cho công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho xã hội, đáp ứng các yêu cầu, kì vọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

ThS. Phùng Quốc Hiếu – Trưởng phòng QLKH&HTQT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×