Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ

08/08/2024 | 16:02

Sáng 8/8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Dự buổi làm việc có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành Trung ương.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

Phấn đấu có nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho biết: Trong các năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực trong sáng tác, vận động, tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật, tham gia chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân, đóng góp vào những thành quả chung, quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hồng Quân, trong các năm qua chưa có nhiều tác phẩm tác phẩm đỉnh cao, chưa tạo được sự quan tâm rộng lớn của công chúng, sức lan tỏa chưa nhiều. Một số quy định về chế độ, chính sách với cán bộ Hội chưa rõ ràng. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ giúp việc, tham mưu gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí đầu tư cho văn học nghệ thuật chưa tương xứng. Công tác văn học nghệ thuật nói chung và nhất là ở các địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng về kinh phí hoạt động. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa coi trọng, chưa quan tâm đến vai trò, tính đặc thù của văn học nghệ thuật. Công tác xã hội hóa chưa mạnh, hiệu quả không cao.

Ông Đỗ Hồng Quân cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tiếp tục chỉ đạo xây dựng một số chương trình, đề án cụ thể trình cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW và Kết luận 84-KL/TW của Bộ Chính trị; Triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn của các ban Đảng, Ban Chỉ đạo Đại hội, Đảng đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội bảo đảm đúng quy trình, quy định; Chỉ đạo triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn trong năm 2025; đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Trong thời gian tới, Liên hiệp sẽ đẩy mạnh sáng tác, sáng tạo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động của Liên hiệp Hội và các Hội Văn học nghệ thuật. Tiếp tục đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng đề tài, chủ đề, biên độ sáng tạo; quan tâm tính chuyên nghiệp để có nhiều tác phẩm kết tinh tài năng tâm huyết, có sức khái quát cao về sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Phấn đấu có nhiều tác phẩm, công trình lý luận phê bình có giá trị cao, hướng dẫn dư luận và định hướng phát triển văn học nghệ thuật; Đẩy mạnh công tác quảng bá tác phẩm, nâng cao chất lượng các cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, hội chợ…đưa các sản phẩm văn hóa tới đông đảo công chúng, nâng cao dân trí và hướng dẫn thẩm mĩ; Đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới. Đẩy mạnh các hoạt động dịch thuật văn học; tham gia các liên hoan, giải thưởng, hội nghị, hội thảo quốc tế về văn học nghệ thuật.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam kiến nghị, trong Chương trình xây dựng pháp luật, đề nghị Quốc hội cho chủ trương xây dựng Luật Văn học nghệ thuật; Nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ - Ảnh 2.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Ông Đồ Hồng Quân mong mỏi Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình, tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sĩ, mỗi năm có tăng dần theo sự tăng trưởng của kinh tế quốc dân, có cơ chế đặc thù, giao nhiệm vụ thay vì đặt hàng, có chương trình hỗ trợ sáng tạo dài hơi. Chương trình hỗ trợ sáng tạo VHNT giai đoạn 2021-2025 sắp kết thúc, đề nghị cho chủ trương cho giai đoạn tiếp theo, trong đó có hỗ trợ kinh phí cho báo, tạp chí văn học nghệ thuật trung ương và địa phương.

Thực hiện Kết luận 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, xin đề xuất mỗi tổ chức thành viên mỗi hội ở Trung ương được xây dựng và thực hiện ít nhất một chương trình/dự án về bảo tồn, phát huy, công bố, phổ biến, phát triển văn học nghệ thuật theo từng chuyên ngành tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, 100 năm ngày thành lập Nước. Vì mỗi chuyên ngành có tính đặc thù riêng, mỗi tổ chức thành viên, mỗi hội là cấp ngân sách độc lập không thuộc Liên hiệp.

Đề nghị các Bộ, ngành chức năng thực hiện các Quyết định của Thủ tướng đã phê duyệt, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế giao nhiệm vụ và thực hiện áp dụng định mức chi về hỗ trợ sáng tạo tác phẩm theo Quyết định 558-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan phê duyệt kinh phí về sách 3D theo Quyết định 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng tiến tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Nước, 100 năm thành lập Đảng trên nền tảng công nghệ 4.0; Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Giải thưởng VHNT hàng năm; Tổng hợp, báo cáo về những nhiệm vụ Liên hiệp và các Hội đã kiến nghị, đề xuất đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035 hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng thành các chương trình, đề án riêng để thực hiện.

Tại buổi làm việc, các ý kiến của đại diện lãnh đạo các Hội chuyên ngành Trung ương đồng thuận đề xuất hoàn thiện và thành lập các Đảng đoàn tại các Hội, cơ chế giải thưởng các Liên hoan, Giải thưởng của các Hội, chính sách cho các nghệ sĩ...

Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trong suốt thời gian qua, nhất là sau thời gian tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các bên liên quan đã được tăng cường nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về VHNT; nghiên cứu, sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn phát triển VHNT

Chính vì sự nỗ lực chung của các ngành, các cấp, trong đó có vai trò của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, VHNT tiếp tục được khẳng định là lĩnh vực quan trọng, là bộ phận cấu thành và đặc biệt tinh tế của văn hóa. VHNT đóng vai trò trong đáp ứng nhu cầu thiết yếu, khát vọng hướng đến chân, thiện, mỹ.

Về phía Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Bộ đã chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Tư duy này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là tư duy đúng, trúng và kịp thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong thúc đẩy phát triển của văn hóa. Bộ VHTTDL quản lý lĩnh vực VHNT bằng công cụ pháp luật; có sự điều tiết hợp lý, hài hòa. Bộ cũng đang nỗ lực giải quyết bài toán phát huy tính sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật nhưng vẫn tuân theo các quy định pháp luật hiện hành.

Theo Bộ trưởng, đối với công tác xây dựng pháp luật, Bộ VHTTDL đã trình Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), là cơ sở để phát triển điện ảnh Việt Nam. Bộ cũng đã tham mưu với Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Trong đó, có những quy định rất chặt chẽ về bản quyền, là động lực để VHNT phát triển… Trong thẩm quyền, Bộ cũng đã ban hành được 7 thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến các lĩnh vực của VHNT. Trong đó, có nhiều thông tư đã tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương.

Trước Quốc hội, Bộ VHTTDL đã có báo cáo về những tồn tại trong chính sách thù lao cho nghệ sĩ. Quốc hội đã có những chỉ đạo, giao Chính phủ xem xét, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp về chính sách thuộc lĩnh vực VHNT.

Đối với một số hạn chế xuất phát từ thực tế phát triển VHNT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ đã nhận diện vấn đề và tiến hành công tác tham mưu, sửa đổi và có những giải pháp linh hoạt để giải quyết vấn đề.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết các giải pháp khơi thông cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng, thực hiện vì sự phát triển của VHNT Việt Nam. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, sau khi có được nhận thức chung trong nội dung phát triển VHNT và đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, khi Quốc hội thông qua, cùng với Bộ VHTTDL, vấn đề tổ chức thực hiện sẽ do Liên hiệp các Hội VHNT, các cơ sở đào tạo, địa phương… Việc này cho thấy sự phân vai, phân cấp trong tổ chức thực hiện. Bộ trưởng mong muốn việc này sẽ có sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan để tạo tính hiệu quả trong thực thi.

Về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng nhận định phải xác định rõ Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp thực hiện và văn nghệ sĩ giữ vai trò là những người sáng tạo.

Trong quá trình sửa đổi các văn bản pháp luật, Bộ trưởng khẳng định cần phải lấy ý kiến đầy đủ, có đánh giá cụ thể tác động. Bộ trưởng hy vọng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành sẽ có sự hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này để các văn bản, chính sách khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống. Khó khăn thì cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ.

Liên quan đến ý kiến đề nghị giao nhiệm vụ tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, triển lãm chuyên nghiệp từ Bộ VHTTDL sang cho các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, Bộ trưởng cho hay các Hội hoạt động theo khuôn khổ pháp luật, trên cơ sở nguyên tắc, điều lệ của Hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL cũng đã được Chính phủ xác định. "Bộ VHTTDL luôn đồng hành cùng các Hội trong các hoạt động. Tất cả các hoạt động phải tuân theo quy định của pháp luật. Nếu có bất cập, hoàn toàn có thể xem xét, tham mưu với Chính phủ để tiến hành nghiên cứu, sửa đổi"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ - Ảnh 5.

Quang cảnh buổi làm việc

Nêu một số giải pháp phát triển VHNT, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về VHNT; nghiên cứu, sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn phát triển VHNT. Ngoài ra, có sự đánh giá các cơ chế, tăng cường cơ chế tài chính cho hoạt động VHNT. Công tác nhân sự trong hoạt động VHNT cần được chú trọng.

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những kết quả Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương đã đạt được trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam. Trong giai đoạn tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị phải quán triệt sâu sắc những Nghị quyết, Kết luận của Đảng về văn hóa nói chung và VHNT nói riêng đến các cấp, đơn vị. Từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, Nhân dân; bác bỏ những quan điểm sai trái của thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng vẫn tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển VHNT; quan tâm hơn nữa đến đời sống văn nghệ sĩ; phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Việc đầu tư cho VHNT phải tránh dàn trải, có sự phân bổ hợp lý; chú trọng đến cơ sở hạ tầng để nâng tầm vị thế đất nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân. Công tác xã hội hóa trong VHNT cần được quan tâm theo hướng hoàn thiện các chính sách.

Ngoài ra, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần phát huy vai trò trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo điều lệ và tham gia cùng các cơ quan quản lý trong xây dựng hệ thống pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong phát triển VHNT; nỗ lực đóng góp vào hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các giải pháp đưa ra phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ.

Cuối cùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, văn hóa, VHNT cũng phải thể hiện sự chủ động hội nhập; có giải pháp lan tỏa các tác phẩm VHNT về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm chất lượng đến bạn bè quốc tế. Thông qua các tác phẩm, góp phần khẳng định vị vế của Việt Nam; giúp nhân dân các nước hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×